Khi thế giới vẫn vật lộn với những gián đoạn trong chuỗi cung ứng do các chính sách kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc, điều có thể thấy rõ là nền kinh tế toàn cầu dễ tổn thương thế nào trước sự gián đoạn tại một quốc gia hay thậm chí một khu vực, đặc biệt là khi xảy ra ở Trung Quốc – nhà cung cấp hàng hóa số 1 thế thế giới.
Vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển trở thành trung tâm sản xuất của thế giới và là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đi từ một nền kinh tế mới nổi trở thành một siêu cường kinh tế.
Theo ước tính trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc sẽ chiếm 18,8% GDP toàn cầu theo đồng giá sức mua (PPP) trong năm 2022. Con số này tăng gấp hơn 2 lần so với tỷ trọng chỉ 8,1% của 20 năm trước – thời điểm GDP của Trung Quốc thua xa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Trong 20 năm qua, ưu thế về kinh tế của cả Mỹ và EU đều bị thách thức trước sự trỗi dậy của các cường quốc mới như Trung Quốc, Ấn Độ. Trong khi Mỹ chứng kiến tỷ trọng trong GDP toàn cầu giảm từ 19,8% năm 2002 xuống còn 15,8% năm 2022, tỷ trọng của EU giảm từ 19,9% còn 14,8% trong cùng giai đoạn.
Tuy nhiên, IMF dự báo khoảng cách giữa Trung Quốc, Mỹ và EU có thể sẽ ngày càng gia tăng trong vài năm tới, do triển vọng kinh tế của Mỹ và EU đang bị phủ bóng bởi nguy cơ suy thoái. Trong khi đó, quốc gia châu Á được dự báo tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân một con số và sẽ tăng lên trong vài năm tới.