Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã CK: DPM) đã công bố BCTC quý 4/2022 và luỹ kế cả năm 2022.
Theo đó, riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 3.900 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu nên lãi gộp đạt 1.639 tỷ đồng – giảm 31% so với quý 4/2021.
Trong kỳ, Đạm Phú Mỹ thu về 157 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ trong khi chi phí tài chính không biến động.
Kết quả, sau khi trừ các khoản chi phí DPM lãi sau thuế 1.140 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ, LNST thuộc về công ty mẹ là 1.147 tỷ đồng.
Dù đi lùi trong quý 4 nhưng Đạm Phú Mỹ vẫn báo lãi ròng 5.586 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 45% so với năm 2021 – Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết của DPM. Doanh thu thuần đạt 18.627 tỷ đồng, tăng 46% so với năm ngoái.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của DPM đạt 17.747 tỷ đồng, tăng 27% so với mức 13.917 ngày đầu năm (tương ứng tăng 3.830 tỷ đồng). Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 25%, đạt 1.883 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn thuộc mục đầu tư tài chính ngắn hạn của DPM lại tăng 104%, đạt 7.080 tỷ đồng (tương ứng tăng 3.625 tỷ đồng).
Hàng tồn kho đạt 4.011 tỷ đồng, tăng 44% (tương ứng tăng 1,233 tỷ đồng); dự phòng giảm giá hàng tồn kho đạt 90 tỷ đồng, gấp 28 lần so với ngày đầu năm.
Nợ của DPM tăng 15% so với mức 3.204 tỷ đồng ngày đầu năm, đạt 3.708 tỷ đồng. Trong đó, vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn tăng 1%, đạt 202 tỷ đồng; vay và thuê nợ tài chính dài hạn giảm 27%, đạt 505 tỷ đồng.
Mới đây, Đạm Phú Mỹ đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ đồng.
Như vậy so với kết quả đột biến năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ giảm 13% về doanh thu và giảm 58% về lợi nhuận trước thuế.
Mục tiêu thấp được đưa ra trong bối cảnh giá ure năm 2023 được dự báo quanh mức 400 USD/tấn – 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022. Trong đó, tại thị trường châu Âu, giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021.
Cùng với đó, một số tín hiệu cho thấy 1 trong 2 quốc gia là Nga và Trung Quốc sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế hạn ngạch xuất khẩu phân bón (nguyên nhân khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá phân bón tăng mạnh trong năm qua).