Theo CNBC, ông Jamie Dimon - CEO JPMorgan Chase - vừa cảnh báo rằng những thách thức nghiêm trọng có thể đẩy Mỹ và nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái trong năm tới.
Ông Dimon, giám đốc điều hành của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, nhận định nền kinh tế Mỹ "vẫn đang hoạt động tốt". Tình hình của người tiêu dùng cũng tốt hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
"Nhưng các vị không thể bình luận về nền kinh tế mà không xét đến bức tranh tương lai. Và vấn đề rất nghiêm trọng", ông Dimon cảnh báo.
Suy thoái rình rập
Các yếu tố được ông Dimon chỉ ra là tác động của lạm phát, lãi suất tăng cao hơn dự kiến, ảnh hưởng từ những chính sách thắt chặt và xung đột Nga - Ukraine.
"Đó là những thách thức rất nghiêm trọng, mà tôi cho rằng có thể đẩy Mỹ và thế giới vào một cuộc suy thoái trong 6-9 tháng nữa", ông Dimon nhận định. Theo ông, kinh tế châu Âu vốn đã suy thoái rồi.
Bình luận của ông Dimon được đưa ra trong bối cảnh triển vọng của kinh tế thế giới xấu đi đáng kể, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất để đối phó với lạm phát tăng vọt.
Đó là những thách thức rất nghiêm trọng, mà tôi cho rằng có thể đẩy Mỹ và thế giới vào một cuộc suy thoái trong 6-9 tháng nữa
Ông Jamie Dimon - CEO JPMorgan Chase
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC vào tháng trước, ông Charles Evans - Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - lo ngại rằng ngân hàng trung ương Mỹ đã đi quá xa, quá nhanh trong cuộc chiến chống lạm phát.
Theo ông Dimon, Fed đã "hành động quá chậm và làm quá ít" khi lạm phát tại Mỹ vọt lên mức cao nhất trong vòng 40 năm. Đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ phải chật vật bắt kịp.
Trong cuộc họp tháng 9, Fed đã quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3-3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008. Trước đó, Fed tăng lãi suất 2,25 điểm phần trăm trong năm nay, trong đó có hai lần tăng 0,75 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 6 và tháng 7.
Dot plot - biểu đồ chấm thể hiện kỳ vọng của các thành viên - cho thấy FOMC không có ý định cắt giảm lãi suất trước năm 2024. 6 trong số 19 thành viên ủng hộ việc đưa lãi suất lên 4,75-5% vào năm tới, nhưng giá trị trung tâm là 4,6%, tức lãi suất sẽ khoảng 4,5-4,75%.
Thị trường biến động mạnh
Ông Dimon nhận định không rõ cuộc suy thoái của Mỹ sẽ kéo dài bao lâu. "Nó có thể đi từ một cuộc suy thoái rất nhẹ đến nghiêm trọng, tùy thuộc vào tình hình chiến sự", ông bình luận.
Vị CEO cho rằng sẽ rất khó để dự đoán. "Hãy chuẩn bị tinh thần", ông cảnh báo.
Tăng trưởng bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 9 đã giảm tốc so với tháng 8, và là mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Trong khi đó, chỉ số PMI tháng 8 được điều chỉnh giảm nhẹ so với ước tính sơ bộ và thấp hơn tháng 7. Chỉ số này phản ánh tháng giảm thứ 2 liên tiếp của hoạt động kinh doanh khu vực tư nhân và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.
Theo ông Dimon, chỉ có một điều chắc chắn là thị trường sẽ biến động mạnh. Chỉ số S&P 500 có thể dễ dàng giảm thêm 20% nữa từ mức hiện tại. "Mức giảm 20% tiếp theo sẽ đau đớn hơn 20% ban đầu rất nhiều", ông nói thêm.
Bà Lael Brainard - Phó chủ tịch Fed - cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ đang phát huy tác dụng. Điều này khiến nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể giảm tốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến.
"Nhưng tác động của việc Fed tăng lãi suất sẽ không được thể hiện rõ ràng trong nhiều tháng tới", bà nói thêm.
Phát biểu trước các nhà phân tích và giới đầu tư vào đầu tháng 6, ông Dimon tiết lộ đang chuẩn bị cho JPMorgan Chase đối phó với những thách thức kinh tế do Fed và xung đột ở Ukraine gây ra.