Theo CNN, trong một cuộc khủng hoảng ngân hàng, thời điểm mang tính cột mốc là khi một công ty mua lại phần lớn những gì còn lại của ngân hàng đã châm ngòi cho khủng hoảng.
Theo một thông báo vào tối muộn ngày 26/3, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết ngân hàng First Citizens Bank đã mua lại tất cả tài sản, tiền gửi và các khoản vay còn lại của Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng Mỹ phá sản hồi đầu tháng 3 và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngân hàng tại nước này.
Thông tin này giúp các nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm bởi những tàn dư của SVB sau khi sụp đổ cuối cùng đã tìm được một ngôi nhà mới vững chãi. Điều này cũng đồng nghĩa rằng cuộc khủng hoảng sẽ bắt đầu giảm bớt.
Giá cổ phiếu của First Citizens đã tăng hơn 47% trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 27/3, không chỉ xóa sạch mức giảm mà mã này ghi nhận kể từ khi SVB sụp đổ, mà còn đưa giá lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng giá trong phiên giao dịch buổi sáng.
Chỉ số ngân hàng KBW Nasdaq đã tăng 2% trong phiên giao dịch sáng ngày 27/3, sau khi sụt hơn 20% kể từ khi khủng hoảng ngân hàng nổ ra.
Kể từ ngày 27/3, 17 chi nhánh của SVB sẽ bắt đầu hoạt động dưới tên gọi “Silicon Valley Bank, một chi nhánh của First Citizens Bank” - ngân hàng First Citizens cho biết. Tuy nhiên, các khách hàng của SVB được khuyến nghị tiếp tục sử dụng chi nhánh ngân hàng hiện tại của họ cho tới khi nhận được thông tin mới từ First Citizens.
Vụ sụp đổ của SVB, theo sau đó là Signature Bank - một ngân hàng địa phương khác tại Mỹ - đã gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu và làm sụp đổ niềm tin của nhà đầu tư cũng như người gửi tiền tại các nhà băng bị ảnh hưởng.
Ngân hàng SVB - First Citizens sau sáp nhập
Mới chỉ vài tuần trước, một thương vụ sáp nhập như vậy dường như khó có thể xảy ra. First Citizens, có trụ sở tại bang North Carolina, cung cấp các dịch vụ ngân hàng cơ bản tại hơn 550 chi nhánh và văn phòng ở 23 bang của Mỹ. Tính tới cuối năm ngoái, ngân hàng này chỉ có quy mô bằng một nửa so với SVB. Với tài sản 109 tỷ USD, First Citizens là ngân hàng lớn thứ 30 tại Mỹ, theo Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong khi đó, SVB có tài sản 209 tỷ USD, là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ. Khi ngân hàng này sụp đổ, nhà chức trách Mỹ đã chuyển toàn bộ tiền gửi và các khoản vay của SVB sang một ngân hàng bắc cầu (bridge bank).
Với việc mua lại phần lớn hoạt động của SVB, First Citizens giờ đây có tổng tài sản ước tính khoảng 219 tỷ USD, lớn hơn 10 tỷ USD so với SVB trước khi sụp đổ.
Theo thỏa thuận, First Citizens sẽ không tiếp nhận phần lớn trong số 90 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mà SVB đang nắm giữ tại thời điểm bị cơ quan chức năng tiếp quản. Chính việc giá trị của các trái phiếu này sụt giảm mạnh đã gây rắc rối cho SVB và hệ thống ngân hàng Mỹ nói chung.
Làn sóng rút tiền ồ ạt sẽ chấm dứt?
Do Fed tăng lãi suất mạnh trong năm qua để ghìm lạm phát, số trái phiếu kho bạc mà SVB nắm giữ có lãi suất cố định hiện thấp hơn so với giá trị thị trường. Vì vậy, khi SVB thông báo phải bán 21 tỷ USD trái phiếu kho bạc và lỗ khoảng 1,8 tỷ USD sau thuế để đáp ứng nhu cầu rút tiền của ngân hàng, làn sóng rút tiền ồ ạt xảy ra.
Ngày 10/3, các nhà chức trách Mỹ đóng cửa SVB sau khi ngân hàng này bị rút 42 tỷ USD trong một ngày. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ, chỉ sau Washington Mutual năm 2008. Trong một động thái bất ngờ, FDIC đã đồng ý đảm bảo cho toàn bộ tiền gửi tại SVB, bao gồm cả những khoản tiền gửi lớn hơn 250.000 USD vốn không được bảo hiểm.
Giờ đây, với việc mua lại SVB, First Citizens sẽ nhận được tài sản 110 tỷ USD, tiền gửi 56 tỷ USD và các khoản vay 72 tỷ USD của ngân hàng này, theo thông tin mới nhất từ FDIC. First Citizens cũng sẽ ký một thỏa thuận với FDIC để bảo vệ mình trước những khoản lỗ có thể phải chịu từ các khoản vay thương mại của SVB.
“Chúng tôi cam kết xây dựng và duy trì các mối quan hệ bền chặt mà mảng ngân hàng quỹ toàn cầu của SVB đã có với các công ty đầu tư mạo hiểm và công ty vốn cổ phần tư nhân”, Chủ tịch kiêm CEO của First Citizens, ông Frank Holding, cho biết trong một tuyên bố.
Trong một cuộc gọi hội nghị với các nhà đầu tư vào sáng ngày 27/3, ông Craig Nix, giám đốc tài chính của First Citizens, cho biết ngân hàng này hy vọng sẽ thu hút lại được một số khách hàng của SVB đã rút tiền gửi trước đó.
Dù một số ngân hàng cỡ nhỏ và trung cũng bị rút tiền gửi kể từ khi khủng hoảng ngân hàng bắt đầu, ông Nix cho biết tiền gửi tại First Citizens đã tăng 1,3 tỷ USD trong quý 1/2023 kể cả trước khi thương vụ mua lại SVB được công bố.
Tuy nhiên, trong trường hợp ngân hàng sau khi sáp nhập tiếp tục bị rút tiền, First Citizens sẽ nhận được khoản tín dụng lên tới 70 tỷ USD từ FDIC để đảm bảo thanh khoản. Ước tính ngân hàng sau khi sáp nhập sẽ có tổng số tiền gửi khoảng 145 tỷ USD.
Theo FDIC, First Citizens sẽ mua lại các khoản vay trị giá 72 tỷ USD của SVB với giá khoảng 55 tỷ USD, tức rẻ hơn 29%.
FDIC ước tính quỹ bảo hiểm tiền gửi của cơ quan này chịu thiệt hại khoảng 20 tỷ USD để giải quyết vụ sụp đổ của SVB. Chi phí chính xác sẽ được thông báo khi FDIC chấm dứt việc tiếp quản ngân hàng này.