Nội dung chính:
- Vụ việc của SVB không có khả năng ảnh hưởng và lan rộng ra toàn hệ thống do năng lực quản trị ngân hàng trên toàn cầu đã tốt hơn nhiều so với năm 2008.
- SVB sụp đổ đặt ra thế tiến thoái lưỡng nan khi Fed điều hành lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
- Hiện quy mô và sức mạnh quản trị của các ngân hàng trên toàn cầu, kể cả Việt Nam đã lớn mạnh hơn rất nhiều so với giai đoạn năm 2008.
Các cơ quan quản lý đã đóng cửa Silicon Valley Bank (SVB) vào ngày 10/3 và thu giữ toàn bộ tài sản của ngân hàng này. Đây là cuộc sụp đổ ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008 và là vụ ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước này.
Những động thái đáng chú ý diễn ra chỉ vài ngày sau khi tổ chức cho vay nổi tiếng nhất trong giới khởi nghiệp công nghệ báo cáo rằng họ đang gặp khó khăn, dẫn đến làn sóng rút tiền ồ ạt tại ngân hàng.
Ông Phan Lê Thành Long nhận định với quy mô thị trường hiện nay, sự sụp đổ của SVB sẽ không thể lan rộng và gây ra khủng hoảng tài chính mà chỉ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Tuy nhiên, vụ việc này phản ánh tốc độ tăng lãi suất của Fed đã tạo ra thực trạng suy giảm tài sản của các ngân hàng Mỹ.
Mới đây, ngày 13/03, Signature Bank - ngân hàng chuyên cho vay trong lĩnh vực tiền điện tử - cũng rơi vào tình huống bị đóng cửa và buộc Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) phải can thiệp.
Fed bị đẩy vào thế “tiến thoái lưỡng nan”
Đầu năm 2008, Bear Stearns phá sản báo hiệu cho những cú sụp đổ vài tháng sau đó của Lehman Brothers và Merrill Lynch.
Ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới - Goldman Sachs đang đưa ra quan điểm có thể Fed sẽ không tăng lãi suất vào kỳ họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sắp tới. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang gây sức ép đáng kể để cơ quan này ngừng tăng lãi suất.
Điều này đẩy Fed vào thế tiến thoái lưỡng nan khi lạm phát đã đạt đỉnh nhưng chưa có dấu hiệu sụt giảm đáng kể, trong khi hậu quả từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed đã được nhìn thấy.
Ông Long chia sẻ:“Nếu không có sự kiện SVB đổ vỡ và dấu hiệu cho thấy dấu hiệu rất rõ ràng khẳng định nội tại hệ thống ngân hàng Mỹ đang chịu ảnh hưởng lớn bởi tốc độ tăng lãi suất của Fed thì gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất rất mạnh, sau phát biểu diều hâu của Chủ tịch Fed Jerome Powell.”
“Nhưng hiện nay, mọi thứ có thể sẽ khác” - ông Long nói thêm.
Sau sự kiện các ngân hàng đóng cửa, ông Long cho rằng các thành viên FOMC phải cân nhắc kỹ lưỡng về những biến cố mới phát sinh thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhưng “bớt diều hâu hơn” trong bối cảnh tâm lý thị trường và trạng thái tài sản của các ngân hàng Mỹ có nguy cơ đổ vỡ nếu Fed tăng lãi suất quá mạnh.
Thị trường tài chính đã lớn mạnh hơn
Ông Long khẳng định: “Quy mô thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng hiện nay lớn hơn 2008 rất nhiều.” Đơn cử như trường hợp SVB phá sản với khối tài sản hơn 200 tỷ, FDIC sẵn sàng xử lý ngay lập tức do tài sản của ngân hàng có thể thanh lý dễ dàng nhờ quy mô và thanh khoản thị trường.
Sáng 12/3, FDIC công bố thông tin trên website về việc tổ chức này đã xác định được thông tin của người gửi tiền và người sẽ nhận khoản tiền bảo hiểm.
Đồng thời, năng lực quản trị của các ngân hàng cũng tốt hơn rất nhiều, bao gồm cả những ngân hàng Việt Nam. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã nâng mức quản trị rủi ro thanh khoản theo chuẩn mực Basel II.
*Chuẩn mực Basel II là giải pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Với Basel II, mọi rủi ro đều phải được lượng hóa bằng con số cụ thể và con số này sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để có thể bù đắp rủi ro.
Tuy nhiên, ông Long lưu ý thị trường tài chính Việt Nam năm 2008 không lớn và có độ mở như hiện nay. Độ mở của nền kinh tế và thị trường tài chính nước ta đã lớn hơn nên mức độ ảnh hưởng từ những biến động của thế giới cũng tăng cao so với năm 2008.
Chính vì vậy, nhà đầu tư không nên quá lạc quan vào năng lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, cần có giải pháp chuẩn bị trong giai đoạn biến động khó lường như hiện nay.
“Từ cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ, chúng ta vẫn phải cẩn trọng. Liệu SVB có phải điểm khởi đầu hay không?” - ông Long đặt vấn đề.
SVB có tổng tài sản 212 tỷ USD - tính đến cuối năm 2022, là một trong 25 ngân hàng lớn nhất Mỹ tính theo quy mô tài sản. Tuy nhiên, vai trò của SVB không quá lớn khi của ngân hàng này chỉ chiếm gần 0,7% quy mô tổng tài sản hệ thống ngân hàng nước này.
Hiện nay, quy mô của các ngân hàng toàn cầu đã lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn năm 2008. Quan trọng là sức mạnh quản trị ngân hàng trên toàn cầu, kể cả Việt Nam đều đã tốt hơn rất nhiều.
Ngoài ra, chất lượng tài sản của SVB tương đối tốt nên FDIC có thể mạnh tay xử lý và công bố phá sản.
“Với kinh nghiệm từng thực hiện chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cùng các chuyên gia từ FDIC và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Nhật Bản (DICJ)... tôi hiểu rằng FDIC có thể xử lý vụ việc SVB trong vòng 1 tuần. Cơ quan này đã tuyên bố những gửi người tiền được bảo hiểm sẽ được xử lý xong trong sáng thứ 2 (ngày 13/03)” - ông Long chia sẻ.
Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Ngân hàng Mỹ SVB phá sản, liệu có Lehman Brothers thứ hai?. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.