Nhiều người ví việc sống ở Sydney trong thời kỳ khủng hoảng phí sinh hoạt giống như mua sắm tại thương hiệu cao cấp với ngân sách tiết kiệm.
Thành phố cảng nằm ở phía đông nam Australia được mệnh danh là đô thị đắt đỏ thứ 10 trên thế giới vào năm 2023, theo một báo cáo của Economist Intelligence Unit.
Thống kê từ trang web tài chính cá nhân Finder cũng chỉ ra rằng nơi có giá nhà và các tiện ích mắc nhất tại xứ sở chuột túi là Sydney.
Cụ thể, chi phí sống ở đây cao hơn 48,1% so với Adelaide, một trong những thành phố đáng sống ở Australia. Đồng thời đắt hơn Melbourne 36% và 52% với Hobart.
Nếu muốn ăn uống như người địa phương và thử bánh nóng ricotta tại quán cà phê Bills nổi tiếng ở Sydney, du khách sẽ phải trả 26 USD.
Mua sắm tại nhãn hàng thời trang dạo phố đặc trưng ở nơi này cũng mất 99 USD trở lên cho mua một chiếc quần legging từ thương hiệu PE Nation, được thành lập bởi Pip Edwards, người có ảnh hưởng ở vùng ngoại ô phía đông.
Hầu hết ly cà phê đều được bán với giá ít nhất là 4,5 USD, còn sữa hạnh nhân thường đắt hơn 30 cent.
Theo News.com.au, đây là những thứ xa xỉ đã trở thành vấn đề lớn với Sydney, khi người dân đã quen với lối sống đô thị. Tuy bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng chi phí, điều đó không có nghĩa là họ sẵn sàng thay đổi.
Khi được hỏi sẽ không từ bỏ thứ gì để tiết kiệm trong thời kỳ lạm phát tăng 7%, Shannon (30 tuổi) cho biết: “Tôi không muốn ngừng việc mua sắm tại trang trại Harris, nơi bán những thực phẩm tươi ngon mỗi ngày”.
“Cà phê ngon”, Troy (36 tuổi) chia sẻ.
Còn Brooke (30 tuổi) tiết lộ: “Những món đồ ngọt từ các tiệm cà phê dễ thương khi tôi cần một chút gì đó để xoa dịu tâm trạng”.
Ngoài ra, các lớp học quay phim, thực phẩm, dịch vụ phát trực tuyến, ăn tối bên ngoài, đồ trang điểm, sản phẩm chăm sóc da, chocolate chất lượng… cũng là những thứ người dân Sydney sẽ tiếp tục duy trì dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
“Sống ở Sydney thật điên rồ. Mức tiêu xài đang tăng lên so với con số trước đây. Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt từ thế chấp ổn định, tiền thuê nhà rẻ đến phí di duyển, du lịch thấp. Vì vậy, với những ai mới bắt đầu tự xây dựng kế hoạch chi tiêu, nó đã trở thành tiêu chuẩn và khó có thể cắt giảm”, Brenton Tong, cố vấn tài chính và giám đốc điều hành của công ty Financial Spectrum, cho biết.
Tong giải thích người dân ở thành phố cảng cảm thấy khó thay đổi trong tiêu dùng vì đã quen thuộc với lối sống xa hoa.
Ông nhận thấy mọi người đang lược bớt việc đến nhà hàng, đi xem phim nhưng những thứ nhỏ hơn như thức uống mang đi, nghỉ dưỡng cuối tuần vẫn đang phát triển mạnh mẽ.
Chúng không còn được coi là xa xỉ vì một số người đã xem đó như một phần bình thường của cuộc sống.
Thêm vào đó, một vấn đề đang diễn ra là Sydney tập trung rất nhiều giới nhà giàu. Đây là thành phố có bất động sản đắt nhất ở xứ sở chuột túi nhờ có tầm nhìn tuyệt vời ra biển và bến cảng.
“Nhóm cá nhân dư dả không thực sự quan tâm quá nhiều đến những gì đang diễn ra, vì vậy họ vẫn tiếp tục tiêu tiền. Điều này gây khó khăn cho số đông còn lại do việc đó sẽ khiến mức lạm phát cao hơn về lâu dài”, Tong khẳng định.
Không phải người dân Sydney không cảm thấy áp lực lạm phát mà họ chỉ chưa sẵn sàng từ bỏ lối sống hiện tại.