Không ai có thể “chia cắt” người Croatia và tách cà phê của họ, BBC mở đầu bài viết. Nếu tản bộ trên đường phố thủ đô Zagreb, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những quán cà phê vỉa hè chật ních người dân địa phương, ngay cả trong những tháng mùa đông.
Tuy nhiên, vào đầu năm nay, một số người nhận thấy đồ uống yêu thích của họ đã có sự thay đổi.
Theo CNN, từ ngày 1/1, Croatia đã thay thế đồng nội tệ kuna lịch sử bằng đồng euro, sau một thập kỷ gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Và quyết định này khiến nhiều người Croatia tin rằng các quán cà phê, cũng như các nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ, đang lợi dụng tình thế và tăng giá sản phẩm.
"Thật khó hiểu", Vina - cư dân Croatia - nói và nhận được cái gật đầu đồng tình từ hai người bạn Monika và Tonka. "Trông có vẻ rẻ hơn nhưng thực ra rất đắt. Chúng tôi vừa trả 6 euro (khoảng 6,5 USD) cho hai cốc cà phê và một cốc coca. Tôi đã sốc".
Một cư dân địa phương khác, tên Zivana, cũng có suy nghĩ tương tự. "Tất cả đợt tăng giá này bắt đầu vào tháng 6/2022", cô nói. "Bây giờ... thậm chí còn tồi tệ hơn. Chúng tôi không hài lòng với cách chính phủ xử lý tình huống".
Cuộc tranh cãi vô nghĩa?
Cuộc tranh cãi về giá hàng hóa diễn ra gay gắt đến mức chính phủ Croatia phải can thiệp. Quốc gia này đã triệu tập các nhà bán lẻ và cảnh báo rằng chính phủ sẽ không dung thứ cho hành vi tăng giá vô cớ. Đáp lại, các doanh nghiệp tỏ ra phẫn nộ trước việc chính phủ bôi nhọ danh tiếng của họ.
Song các nhà chức trách nhận thấy họ không thể để đồng euro trở thành cái cớ cho hành vi trục lợi lén lút. Do đó, chính phủ đã yêu cầu các nhà bán lẻ đảm bảo không tăng giá cao hơn mức giá vào ngày 31/12/2022. Đội ngũ thanh tra đã xem xét nhiều trường hợp vi phạm, với khoảng 200 nhà bán lẻ trong một tuần.
Song một số người cảm thấy cuộc tranh cãi về giá cà phê ở Croatia chỉ đơn giản là vô nghĩa. Khi đang làm việc trong một quán bar trên Quảng trường thủ đô Zagreb, nhân viên pha chế Luka nói rằng anh nghi ngờ mọi người đang phản ứng thái quá.
“Chúng tôi đã hiển thị giá tính theo euro trước cả khi có sự chuyển đổi. Họ nói hiện chúng tôi (bán) quá đắt, nhưng thực chất giá vẫn giữ nguyên như trước dịp năm mới", anh chia sẻ.
Việc chuyển đổi tiền tệ không phải một quá trình đơn giản. Hungary - quốc gia láng giềng của Croatia - ban đầu có kế hoạch loại bỏ đồng forint vào năm 2007. Nhưng 16 năm sau, họ vẫn chưa thể thực hiện.
Thực tế này khiến quyết tâm của Croatia trong việc đáp ứng các tiêu chí sử dụng đồng euro dường như càng ấn tượng hơn, phản ánh sự ổn định của nhiều yếu tố, chặng hạn tỷ lệ lạm phát, thâm hụt ngân sách chính phủ, tỷ lệ nợ trên GDP quốc gia và lãi suất dài hạn.
Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Croatia Boris Vujcic nói rằng chính phủ, các doanh nghiệp và người dân đã chuẩn bị rất tốt cho việc áp dụng đồng tiền chung.
“Croatia vốn đã bị ‘euro hóa’ nặng nề. Các khoản nợ của công ty, chính phủ và hộ gia đình được tính bằng đồng euro hoặc liên kết với đồng tiền này. Giờ đây, các khoản thu nhập cũng vậy", ông nói.
Ông Vujcic cũng từng khẳng định: “Croatia là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ việc gia nhập khu vực đồng euro. (Vì) rủi ro ngoại hối ở Croatia là cao nhất”, theo Financial Times.
Hứa hẹn nhiều lợi ích
Ông Vujcic tin rằng việc sử dụng đồng tiền chung không hề gây ra tình trạng tăng giá. Thay vào đó, nó giúp nước này thoát khỏi tình trạng lạm phát tồi tệ nhất mà các nước bên ngoài khu vực đồng euro phải đối mặt trong năm 2022.
“Có thể thấy tác động của cuộc khủng hoảng ít nghiêm trọng hơn nhiều ở Croatia, vì thị trường đã nhận thức được việc chúng tôi gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu”, ông Vujcic nói.
Giờ đây, các doanh nghiệp Croatia đang mong đợi sự thúc đẩy từ đồng euro, kết hợp với việc Croatia trở thành thành viên của khu vực Schengen không biên giới.
Sự thay đổi này khiến trải nghiệm của khách du lịch châu Âu đến Croatia bằng ôtô hoặc xe khách dễ dàng hơn đáng kể. Họ không còn phải xếp hàng dài tại các cửa khẩu biên giới và không cần lo lắng về tỷ giá hối đoái. Do đó, ngành du lịch của Croatia dự kiến được thúc đẩy mạnh.
Giới chuyên gia cũng dự đoán các nhà xuất khẩu của Croatia sẽ hưởng lợi khi những khác biệt cuối cùng trong hoạt động thương mại xuyên biên giới nội khối được loại bỏ.
Goran Saravanja, nhà kinh tế trưởng của Phòng Thương mại Croatia, cho biết: “Trong vòng chưa đầy một thập kỷ là thành viên của EU, chúng tôi đã chứng kiến lượng hàng hóa xuất khẩu tăng hơn gấp đôi. Hiện nay, các công ty bên ngoài khu vực đồng euro cũng đang (để mắt đến Croatia)”.
"Chúng tôi vốn giỏi về hậu cần nhờ vị trí địa lý. Khi không có chi phí bổ sung, nhờ gia nhập khu vực không biên giới Schengen và sử dụng đồng euro, (họ) sẽ có động lực (tìm đến chúng tôi)", ông kết luận.
Nếu dự đoán chính xác, Croatia sẽ nhận thấy lợi ích rõ ràng trong vài năm tới. Nhưng hiện tại, người tiêu dùng vẫn lo ngại nhiều hơn về việc túi tiền của họ bị ảnh hưởng.
Người dân Croatia không còn có thể chi tiêu bằng đồng kuna. Nhưng các nhà bán lẻ vẫn phải hiển thị giá tính theo đồng tiền này cho đến cuối năm nay, nhằm trấn an khách hàng rằng mức giá vẫn giữ nguyên.