Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là một trong 5 quốc gia có khả năng chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu do phần lớn dân số sống ở các vùng trũng thấp ven biển. Nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, biến đổi khí hậu sẽ làm GDP của Việt Nam giảm tới 3,5% vào năm 2050.
Trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, các dự án tài chính tăng trưởng xanh đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Xu hướng tăng trưởng xanh của các tổ chức đầu tư quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội huy động vốn cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings, với Quy hoạch điện VIII, dự kiến cần khoảng 100 tỷ USD cho 10 năm tới để phát triển năng lượng tái tạo, mà hệ thống ngân hàng không thể đáp ứng, buộc phải huy động trái phiếu xanh quốc tế; tương tự, ngành nước cần tới 6 tỷ USD.
Nhu cầu này nếu chỉ căn cứ vào thị trường vốn trong nước sẽ không thể đáp ứng được, nên cần có sự kết hợp đồng bộ của các nguồn lực công - tư; các nguồn lực ưu đãi nước ngoài để tạo điều kiện về mặt kỹ thuật cũng như tài chính cho một lộ trình phát triển mới ở Việt Nam.
Ngoài ra, nguồn vốn quốc tế dưới dạng góp vốn chiến lược hay trái phiếu xanh sẽ có kỳ hạn dài. Khi đạt tiêu chí xanh, nhà đầu tư chấp nhận tài trợ và đầu tư lâu dài, điều mà các ngân hàng thương mại không có khả năng; nhờ đó, doanh nghiệp sẽ giảm áp lực thanh khoản ngắn hạn. Đó cũng là cách để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa cơ sở đầu tư; nâng cao danh tiếng trên thị trường quốc tế.
Là thành phần kinh tế chủ đạo, hoạt động trong nhiều lĩnh vực then chốt, nắm giữ nhiều nguồn lực của nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ là lực lượng dẫn dắt trong quá trình tái cơ cấu theo hướng phát triển xanh, bền vững. Từ đó, lan tỏa sang các thành phần kinh tế khác.
Hội nghị quốc tế “Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước” diễn ra ngày 25/11/2022 đã thu hút gần 200 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Đáng chú ý, có hơn 30 tổ chức tài chính, quỹ đầu tư nước ngoài góp mặt tại sự kiện này.
Tại sự kiện, hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rào cản lớn nhất hiện nay cho việc thu hút vốn cho phát triển bền vững ở Việt Nam là khung pháp lý.
Ở góc độ các dự án ODA, các nhà tài trợ cho biết Nghị định 114/2021/NĐ-CP hướng dẫn về ODA thiếu rõ ràng về thủ tục cho các công ty con thuộc sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện chưa quan tâm đúng mức đến các thủ tục nhận sự hỗ trợ từ Quỹ Đầu tư khí hậu (CIF) và Quỹ Khí hậu toàn cầu (GCF).
Tiếp đến là trở ngại từ việc thiếu khung pháp lý cho các giải pháp mua bán carbon ở cấp quốc gia và địa phương, điều mà các thành phố như TP.HCM và Đà Nẵng rất quan tâm.
Trên phương diện thị trường tài chính, các chuyên gia đánh giá trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh ở Việt Nam còn sơ khai. Quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu các sản phẩm tài chính xanh chưa chắc chắn. Hệ thống pháp lý cho việc phát hành và đầu tư các sản phẩm tài chính xanh còn mỏng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Nhiều nhà đầu tư quốc tế đang chờ khung pháp lý và quy định của Việt Nam mang lại sự chắc chắn xung quanh các quy định và lĩnh vực tài chính xanh của quốc gia.
Họ kỳ vọng các công cụ, sản phẩm tài chính mới sớm được các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường tài chính của Việt Nam cấp phép để thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu đang xuất hiện với tốc độ chóng mặt. Các nhà đầu tư lưu ý, việc thiết kế một sản phẩm tài chính có cấu trúc tốt có thể tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích tốt nhất quá trình chuyển đổi.
Trao đổi với VnEconomy bên lề sự kiện, ông Eugene Chua, Phó Chủ tịch phụ trách Ngân hàng Đầu tư và thị trường vốn của Quỹ đầu tư Jefferies (Singapore), cho biết các doanh nghiệp Việt Nam có thể đạt được lợi thế bằng cách sớm tái cấu trúc để phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư, bên cho vay quốc tế và các tiêu chí ESG toàn cầu.
Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các giá trị phi tài chính mà một tổ chức tạo ra cho các bên liên quan và cách thức đo lường giá trị đó.
Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp lớn đã khởi động việc lập báo cáo tài chính tích hợp. Theo đó, các tác động từ rủi ro phi tài chính (như biến đổi khí hậu) đối với giá trị doanh nghiệp và dòng doanh thu trong tương lai được nêu trực tiếp trong báo cáo tài chính.
Để thích ứng với xu hướng giảm phát thải carbon trên toàn cầu, các doanh nghiệp cũng cần đánh giá tiềm năng chuyển đổi của danh mục đầu tư.
Có 3 câu hỏi mà doanh nghiệp và Chính phủ cần đặt ra trong quá trình này.
Thứ nhất, những ngành nào đang chuyển đổi do các mục tiêu giảm phát thải toàn ngành do chính phủ, chính sách và cơ quan quản lý đặt ra?
Thứ hai, doanh nghiệp nào đã có kế hoạch chuyển đổi?
Thứ ba, những doanh nghiệp nào sẽ cần hỗ trợ thêm để đạt được mục tiêu trong lộ trình chuyển đổi?
Ông Huang, Giám đốc đầu tư Tập đoàn CNIC, một tập đoàn nhà nước của Trung Quốc, cho biết nước này đã đưa các tiêu chuẩn về môi trường trong đánh giá doanh nghiệp nhà nước vài năm nay.
Sau khi thoái vốn nhà nước tại các lĩnh vực không quan trọng, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi các công nghệ cũ, sử dụng nhiều năng lượng sang công nghệ mới, sử dụng các nguồn năng lượng xanh, sạch, tiết kệm…
Ông Huang cho biết thêm trong 5 năm tới, doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc sẽ tăng đầu tư khoảng 20% vào nghiên cứu, phát triển các nguyên liệu mới, vật liệu mới, các nguồn năng lượng tái tạo,… 20% là mức tăng trưởng lợi nhuận ròng bình quân của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong những năm gần đây.