Trong vòng chưa đầy 1 thập kỷ, Trung Quốc đã xây dựng một trong những thị trường trái phiếu ‘xanh’ lớn nhất thế giới, và đặc biệt, tiềm năng hơn bất kỳ nơi nào để thay đổi quá trình biến đổi khí hậu, theo Bloomberg. Tuy nhiên, khi đống nợ ‘xanh’ này vượt quá 300 tỷ USD, các nhà đầu tư và cơ quan quản lý lại phải đối mặt với một thực tế đáng lo ngại: Hầu như không ai biết rõ tiền đang được chi tiêu như thế nào, và liệu, chúng có hiệu quả như mong muốn hay không.
Trước đây, Trung Quốc vẫn coi thị trường trái phiếu ‘xanh’ là trung tâm giúp giảm lượng khí thải tại quốc gia vốn gây ô nhiễm nhất nhì thế giới. Song một phân tích mới đây của Bloomberg đã cho thấy nhiều lỗ hổng trong việc công khai và minh bạch thông tin.
Để tìm hiểu câu chuyện này, Bloomberg đã xem xét vài vấn đề: 10 trong tổng số các khoản trái phiếu lớn nhất và 5 trong tổng số phổ biến nhất dựa trên số tiền huy động được.
Kết quả, 8/10 trái phiếu ‘xanh’ lớn nhất do các công ty Trung Quốc phát hành không cung cấp cụ thể thông tin về các dự án mục tiêu. Một phần trái phiếu thu được dành cho các khoản nợ phát sinh nhiều năm trước đó. Số khác được chỉ định cho các hoạt động có lợi với môi trường nhưng khó xác định.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc thiếu một số biện pháp bảo vệ bổ sung có xu hướng trấn an và khuyến khích các nhà đầu tư. Nếu nước này thành công trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030 và net zero vào năm 2060, đây sẽ là bước chuyển mình lớn nhất trong các dự báo về tình trạng nóng lên toàn cầu, theo Climate Action Tracker.
Theo đặc phái viên khí hậu hàng đầu quốc gia, để đạt được những mục tiêu này, Trung Quốc cần tiêu tốn hơn 18 nghìn tỷ USD. Về lý thuyết, sự khao khát toàn cầu đối với các mục tiêu xanh có thể giúp Trung Quốc hiện thực hóa giấc mơ net zero, song một số nhà đầu tư quốc tế lại chần chừ do lo ngại thiếu minh bạch. Trong khi đó, người mua trái phiếu trong nước cũng chưa thực sự hứng thú với các khoản đầu tư xanh.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC Yi Gang đã kêu gọi thị trường lấp đầy khoảng trống trong việc gây quỹ và chính phủ biết họ còn rất nhiều việc phải làm. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với một đài truyền hình nhà nước vào tháng 6, Yi đã bày tỏ lo ngại về “những rủi ro về đạo đức” và cảnh báo chống lại tình trạng “gian lận dự án”.
Theo Xie Wenhong thuộc Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu, một tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh, “không có đủ quy định về cách sử dụng trái phiếu xanh tại Trung Quốc để kiểm tra xem liệu các tổ chức phát hành có phân bổ khoản tiền như những gì họ đã hứa”.
Việc thoải mái tiếp cận tín dụng trước đây đã giúp ngành công nghiệp xây dựng bùng nổ - lĩnh vực vốn đóng góp hơn ⅓ lượng khí thải của toàn đại lục.
“Không có sự giám sát của giới truyền thông đối với việc sử dụng trái phiếu xanh, vậy nên, nhiều tổ chức phát hành trái phiếu có thể nói bất cứ điều gì họ muốn mà không sợ phải đối mặt với hậu quả”, Xie Wenhong nói.
Ví dụ điển hình là đợt bán trái phiếu ‘xanh’ hồi năm 2019 của Industrial Bank - một trong 10 vụ phát hành trái phiếu lớn nhất lịch sử Trung Quốc trị giá 2,9 tỷ USD. Ngân hàng khi đó cho biết số tiền này có thể đã được phân phối cho hơn 220 dự án, bao gồm nhiều sáng kiến tái chế, dự án tiết kiệm năng lượng và năng lượng sạch.
Tuy nhiên, Industrial Bank không trả lời rõ các yêu cầu bình luận về việc sử dụng trái phiếu như thế nào. Bloomberg đã liên hệ với hơn 30 tổ chức phát hành. Chỉ HSBC trả lời email, kèm theo báo cáo hàng năm của một công ty họ phụ trách tài chính.
Trung Quốc sau đó bắt đầu thực hiện những thay đổi quan trọng. Vào tháng 7, một ủy ban do PBOC hậu thuẫn đã ban hành Nguyên tắc trái phiếu xanh - một trong những nỗ lực mới nhất của cơ quan này trong việc điều chỉnh các tiêu chuẩn. Theo đó, các tổ chức phát hành phải sử dụng 100% số tiền thu được để tài trợ cho các dự án xanh bảo vệ môi trường.
Theo Bloomberg, Trung Quốc cũng đang làm việc với EU như một phần của nỗ lực khuyến khích nhiều công ty phát hành trái phiếu xanh hơn trên thị trường quốc tế.
Cho đến đầu năm 2021, các dự án “than sạch” – đầu tư vào công nghệ giảm ô nhiễm hoặc sử dụng năng lượng tại các nhà máy than – được chấp nhận để tài trợ cho trái phiếu xanh. Sự thay đổi là cần thiết, theo PBOC, “để giúp các tiêu chuẩn trái phiếu xanh thêm chuẩn hóa và nghiêm ngặt, đồng thời nhất quán với các tiêu chuẩn quốc tế”.
Trước đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, một chương trình kích thích quốc gia đã tiếp sức cho thị trường tín dụng, vốn đã tăng vọt lên hơn 10 nghìn tỷ USD vào năm 2018.
Trung Quốc đã xây dựng một trong những thị trường trái phiếu ‘xanh’ lớn nhất thế giới, và đặc biệt, tiềm năng hơn bất kỳ nơi nào để thay đổi quá trình biến đổi khí hậu.
Các mục tiêu chính sách quốc gia được hiện thực hóa: Chính quyền địa phương đạt được các mục tiêu GDP đầy tham vọng, trong khi hàng triệu người di cư từ vùng nông thôn nghèo khó bắt đầu đến các siêu đô thị mới để lập nghiệp. Tuy nhiên, việc thoải mái tiếp cận tín dụng đã vô hình chung giúp ngành công nghiệp xây dựng bùng nổ - lĩnh vực vốn đóng góp hơn ⅓ lượng khí thải của toàn đại lục. Điều này làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm mà giới chức đang cố gắng giải quyết.
Trung Quốc khi đó buộc phải thực hiện các biện pháp kiềm chế. Cụ thể, trong cuộc ‘đàn áp’ đối với các nhà phát triển bất động sản, ít nhất 4 tỷ USD trái phiếu ‘xanh’ đã vỡ nợ.
Hiện tầm nhìn của Trung Quốc đối với mục tiêu các net zero đang gặp nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế, thiếu hụt than và hỗn loạn thị trường nhiên liệu toàn cầu. Nước này theo đó có thể chuyển sang hướng tiếp cận chậm mà chắc, với ưu tiên hàng đầu là an ninh năng lượng.