Khi ChatGPT có thể trả lời lưu loát mọi câu hỏi, từ làm thơ đến viết tiểu luận, một số người yêu thích chạy, tập gym hay có nhu cầu giảm cân đã nghĩ ra một cách mới để thử thách chatbot AI, yêu cầu lập lịch trình tập luyện.
Cách làm này có vẻ hấp dẫn, vì người dùng không cần trả nhiều tiền cho các chuyên gia tập luyện và dinh dưỡng, cũng không phải tự sàng lọc nhiều thông tin trên Internet. Thay vào đó, chỉ cần nhập yêu cầu và AI sẽ đưa ra lịch trình tập luyện cá nhân hóa chỉ sau vài giây.
OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, kín tiếng về các chi tiết kỹ thuật, nhưng theo các thông tin đến nay AI này đã được đào tạo dựa trên dữ liệu được lấy từ các trang web, Wikipedia và sách được lưu trữ trực tuyến. Không có gì đảm bảo câu trả lời từ AI là chính xác, và điều này đặc biệt nguy hiểm khi người dùng tin tưởng câu trả lời của AI về các vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Lời khuyên tai hại từ AI
"Sau khi nhận được lời mời tham gia London Marathon, tôi đã yêu cầu ChatGPT lập kế hoạch 16 tuần để tập luyện cho giải chạy vì muốn thử khả năng của AI", Rhiannon William, tác giả viết sách người Australia và là người yêu thích chạy bộ, cho biết.
Để tập luyện cho một cuộc chạy marathon, cần tăng dần quãng đường chạy mỗi tuần, và quãng đường dài nhất cần phải vào khoảng 30 km.
ChatGPT đã đưa ra lịch trình tập luyện cho William với quãng đường tối đa chỉ là 15 km. "Tôi rùng mình khi tưởng tượng mình sẽ gặp khó khăn thế nào ở giải chạy marathon nếu tập luyện như vậy, đau đớn và có nguy cơ bị thương nghiêm trọng", William cho biết.
Khi thử đưa ra yêu cầu lập lịch trình tập luyện marathon lần thứ hai, trong một cuộc trò chuyện khác, AI lại gợi ý chạy 30 km vào ngày trước cuộc đua. "Thật thảm họa, nếu làm như vậy tôi sẽ kiệt sức ngay trên vạch xuất phát marathon, và một lần nữa có thể chấn thương", theo William.
Giải thích nguyên nhân ChatGPT đưa ra 2 câu trả lời khác nhau cho một câu hỏi, người phát ngôn của OpenAI cho biết ChatGPT không phải là một cơ sở dữ liệu, nó tạo ra một phản hồi mới với mỗi câu hỏi hoặc truy vấn.
Nói về việc AI đưa ra lời khuyên có thể gây hại, người phát ngôn cho biết: “ChatGPT là một 'bản xem trước' và chúng tôi lưu ý với người dùng rằng đôi khi nó có thể tạo ra thông tin không chính xác, sai lệch hoặc hướng dẫn có hại".
AI nghe có vẻ đáng tin
Alex Cohen, người làm việc cho một công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe Carbon Health, thử khả năng của ChatGPT bằng cách hỏi các câu mà anh đã biết câu trả lời.
Đầu tiên, Cohen yêu cầu AI tính toán tổng năng lượng tiêu hao hàng ngày của anh, đây là con số để ước tính lượng thức ăn cần tiêu thụ để giảm, duy trì hoặc tăng cân. Sau đó, Cohen yêu cầu AI tạo các bữa ăn mẫu và kế hoạch tập luyện.
"AI đưa ra câu trả lời lưu loát, nhưng nó không cá nhân hóa các bài tập dựa trên hình dáng, thể trạng hay kinh nghiệm của tôi", Cohen nói.
Lee Lem, một người làm nội dung thể hình ở Australia, cũng có trải nghiệm tương tự. Lem yêu cầu ChatGPT soạn lịch trình “ngày tập chân tối ưu”. AI đã đúng khi gợi ý các bài tập đa khớp như squats hay deadlifts, nhưng thời gian nghỉ giữa bài tập quá ngắn. "Thật phi thực tế khi chỉ nghỉ 30 giây giữa các hiệp squats”, Lem nói.
Tuy nhiên, những người tập luyện nghiệp dư hơn sẽ không thấy được những vấn đề trong lịch tập của AI, thậm chí sẵn sàng trả tiền để mua. Ahmed Mire, một kỹ sư phần mềm ở London, đang bán các gói lịch trình tập luyện do ChatGPT sản xuất với giá 15 USD. Khách hàng đưa cho Mire mục tiêu và chỉ số cơ thể, và anh chỉ đưa thông tin này vào ChatGPT. AI này là miễn phí, nhưng Mire cho biết mọi người trả tiền cho sự tiện lợi.
Các chuyên gia có thể thấy các lỗ hổng tai hại trong lời khuyên lập luyện của AI, nhưng nhiều người dùng thông thường thì không. Trên các nền tảng TikTok, Reddit và Twitter, nhiều người cho biết họ đã sử dụng ChatGPT để tạo lịch trình tập luyện, và làm theo những gì AI đưa ra.
Chatbot AI hoạt động gần giống như tính năng tự động điền từ trên điện thoại thông minh, nhưng ở quy mô dữ liệu lớn hơn, Michael Wooldridge, Giám đốc nghiên cứu nền tảng AI tại Viện Alan Turing ở London, giải thích. “ChatGPT có thể phản hồi rất tự tin bằng thông tin giả, vì nó không biết điều gì là đúng hay sai. Người dùng tuyệt đối không nên tin vào AI, và cần phải kiểm chứng thông tin", chuyên gia lưu ý.