Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo về tình hình tai nạn lao động năm 2022 và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động năm 2023.
Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố, năm 2022 trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động, tăng 1.214 vụ, tương ứng với 18,66% so với năm 2021), làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so với năm 2021). Số này bao gồm cả ở khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người 720 vụ, giảm 29 vụ, tương ứng 3,87% so với năm 2021; số người chết vì tai nạn lao động 754 người, giảm 32 người; số người bị thương nặng 1.647 người, tăng 162 người.
Tình hình tai nạn lao động năm 2022 được đánh giá có giảm so với năm 2021 cả về số người chết và số vụ tai nạn lao động chết người. Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2022 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động như: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai.
Xét theo loại hình cơ sở sản xuất, công ty cổ phần có số vụ tai nạn lao động chết người nhiều nhất, chiếm 38,25% số vụ tai nạn chết người và 38,95% số người chết; tiếp theo là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn; doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp. Thấp nhất ở loại hình doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là khai thác mỏ, khai thác khoáng sản; xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; dịch vụ.
Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không bảo đảm cho người lao động.
Bên cạnh đó có nguyên nhân do người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và thiết bị an toàn được trang bị; tai nạn giao thông…
Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2022 gồm: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là trên 14.117 tỷ đồng (tăng khoảng 10.163 tỷ đồng so với năm 2021). Thiệt hại về tài sản trên 268 tỷ đồng (tăng khoảng 250 tỷ đồng so với năm 2021); tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là trên 143.468 ngày (tăng khoảng 27.091 ngày so với năm 2021).
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời, phối hợp với Bộ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy…
Cùng với đó, cần tăng cường triển khai công tác phòng ngừa tai nạn lao động với sự hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi…
Trước đó, tại cuộc họp về kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2023, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động cần phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn để cải thiện các điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hoàn thiện các chính sách, chế độ về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Với chủ đề: “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023 được tổ chức từ ngày 1-31/5/2023 trên toàn quốc.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết trong thời gian phát động, Ban chỉ đạo sẽ tiến hành các chuỗi các hoạt động như: Thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động; tổ chức hoạt động đối thoại, hội nghị, hội thảo, hội thi về an toàn vệ sinh lao động; hoạt động thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động…