Nga-Việt hợp tác xây dựng trang trại gió
Theo hãng tin Sputnik (Nga), trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế lần thứ VI "Tuần lễ năng lượng Nga" tổ chức tại Moscow từ ngày 11 - 13/10, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã thảo luận về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng.
Đáng lưu ý, ông Shulginov cho biết, Nga và Việt Nam đã đạt được các thỏa thuận về xây dựng trang trại gió ở Việt Nam. Bộ trưởng Nga đồng thời ghi nhận những bước tiến trong quan hệ hợp tác song phương nhằm phát triển năng lượng tái tạo.
"Các doanh nghiệp Nga và Việt Nam đã đạt được một số thỏa thuận về việc xây dựng trang trại gió trên lãnh thổ Việt Nam" - Thông báo của Bộ Năng lượng Nga trích lời ông Shulginov.
Cũng tại cuộc họp, các Bộ trưởng đã thảo luận về tình hình cung cấp và hợp tác sản xuất các nguồn tài nguyên dầu khí, hợp tác trong lĩnh vực than đá và ngành điện lực.
Tài nguyên đắt giá
Trang trại gió là nhóm nhiều turbine gió ở cùng một địa điểm, được sử dụng để sản xuất điện. Một trang trại gió lớn có thể bao gồm vài trăm turbine gió đơn và bao phủ diện tích lên tới hàng trăm kilomet. Một trang trại gió cũng có thể được xây dựng ở ngoài khơi để phát triển điện gió ngoài khơi.
Năng lượng gió hiện nay được xem như giải pháp thay thế hiệu quả cho thủy điện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng gia tăng.
Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey (có văn phòng đại diện tại 65 quốc gia), Việt Nam có tiềm năng "đáng ghen tị" về gió, với hơn 3.000km bờ biển và sức gió thổi trung bình từ 5,5 đến 8 m/s (không tính sự thay đổi theo mùa). Cơ hội lớn nhất để phát triển điện gió quy mô lớn nằm ở ngoài khơi.
Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), sức gió tại một số khu vực ngoài khơi bờ biển phía nam Việt Nam có thể lên tới 10 m/s, trong khi thông thường, sức gió được đánh giá "khả thi để phát triển điện gió" là 8 m/s. WB ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt tới 500 gigawatt.
Tờ Nikkei Asia nhận định, tiềm lực gió của Việt Nam đã trở thành điểm thu hút lớn đối với các nhà đầu tư. Việt Nam được đánh giá là "một trong những khu vực tốt nhất ở châu Á về năng lượng gió ngoài khơi".
Nga đã đầu tư dự án điện gió nào ở Việt Nam?
Tiềm lực điện gió của Việt Nam từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Nga. Năm 2021, công ty Nga Zarubezhneft và DEME Concessions Wind (Bỉ) đã thành lập một liên danh để đầu tư dự án xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi 1000 MW đầu tiên tại Việt Nam. Dự án điện gió Vĩnh Phong có tổng mức đầu tư 72.900 tỷ đồng, tương đương hơn 3,1 tỷ USD ở thời điểm đó.
Cũng trong năm 2021, công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gàn - đơn vị phát triển Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn - đã ký một hợp đồng khảo sát địa chất ngoài khơi quan trọng trị giá nhiều triệu USD với Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro - công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu một phần.
Với vốn đầu tư ước tính lên đến 10 tỷ USD và công suất 3,5 GW, Dự án Điện gió Ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Đến tháng 7/2022, công ty NovaWind thuộc Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Quốc gia Liên bang Nga Rosatom và CTCP Năng lượng An Xuân đã ký thỏa thuận hợp tác về việc xây dựng trang trại điện gió 128MW tại Sơn La. Rosatom đã cho thấy ý định tiến vào thị trường năng lượng gió từ năm 2016 và được đánh giá là nhân tố triển vọng trong lĩnh vực này.
Tại Hội chợ triển lãm Expo được tổ chức đầu năm 2022, Phó Giám đốc điều hành NovaWind Yegor Grinkevich cho hay, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là một trong những khu vực thị trường ưu tiên của Rosatom.
Mới đây nhất, tháng 7/2023, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) cho biết, EVNGENCO1 và Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về công tác đầu tư các dự án điện gió tại tỉnh theo Quy hoạch Điện VIII.
Hai phía đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cho phép đầu tư một trung tâm điện gió tại khu vực biển của tỉnh với quy mô tổng công suất 2000MW.
Không chỉ Nga nhìn thấy tiềm năng lớn
Ngoài Nga, tiềm năng về điện gió ngoài khơi của Việt Nam đã và đang thu hút hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài, từ Âu sang Á. Có thể kể đến những cái tên như Sembcorp Utilities (Singapore), Sumitomo và Renova (Nhật Bản), Orsted (Đan Mạch).
Tập đoàn Pacifico Energy (Mỹ) cũng đang thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ tới điện gió Việt Nam. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Pacifico Energy Nate Franklin đã bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam và chia sẻ về ý tưởng phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam.
Trước Pacifico Energy, Công ty TNHH GE Việt Nam thuộc General Electric (tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng tái sinh, chăm sóc sức khỏe, dầu khí, hàng không...) đã có văn bản gửi tỉnh Lạng Sơn vào tháng 7/2020 để xin phép nghiên cứu khảo sát dự án điện gió tại địa phương này.
Cụ thể, Công ty TNHH GE Việt Nam đề xuất tỉnh Lạng Sơn đồng ý cho phép nghiên cứu khảo sát dự án Nhà máy Điện gió Chi Lăng tổng công suất dự kiến 165 MW, và dự án Nhà máy Điện gió Ái Quốc tổng công suất dự kiến 253 MW. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án lên tới gần 20.000 tỷ đồng (hơn 700 triệu USD).
Tháng 10/2021, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) công bố khoản ngân sách 860.000 USD để tài trợ cho 3 dự án mới về năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Trong đó, một phần ngân sách được hỗ trợ các nhà máy điện gió trên bờ (công suất 350MW) tại Gia Lai của Công ty cổ phần TSV và Asia Renewables.
Khoản hỗ trợ cũng dành cho các nhà máy điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) tại Cà Mau (công suất 300MW) và Trà Vinh (công suất 200MW).
Đáng chú ý, vào tháng 8/2022, tại đối thoại thường niên An ninh Năng lượng Việt-Mỹ, Tập đoàn AES của Mỹ đã đề xuất ý định thư với Phái đoàn Việt Nam, mong muốn triển khai dự án trang trại điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận. Trang trại điện gió này ước tính có tổng vốn đầu tư 13 tỷ USD với tổng công suất 4.000 MW.
Việc triển khai dự án trang trại điện gió ngoài khơi này của Tập đoàn AES song hành với mong muốn đóng góp vào kế hoạch giảm phát thải carbon của Việt Nam và đạt được mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26.