Thị trường tài chính tuần qua ghi nhận nhiều biến động lớn về chủ sở hữu khi một số lãnh đạo chủ chốt bất ngờ hết thoái vốn khỏi doanh nghiệp trong lúc giá cổ phiếu giảm sâu, để lại một khoảng trống lớn trong cơ cấu cổ đông.
Mới đây, ông Nguyễn Đức Thụy (tức bầu Thụy) thông báo đăng ký bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu Thaiholdings (Mã: THD), tương đương gần 25% vốn doanh nghiệp ngay trong tháng 6 tới.
Bầu Thụy hiện là cổ đông lớn nhất và là anh trai của ông Nguyễn Văn Thuyết, Chủ tịch HĐQT Thaiholdings. Mục đích giao dịch là để cơ cấu danh mục đầu tư.
Bầu Thụy mất 20.000 tỷ đồng
Hành động thoái vốn gây chú ý khi giá cổ phiếu THD lao dốc khó tin khi mất hơn 80% giá trị kể từ đầu năm về mốc 53.000 đồng, mức giảm mạnh nhất trong tất cả các mã đã niêm yết trên HoSE và HNX.
Đây là mức giảm gây sốc cho cổ đông Thaiholdings khi thị trường chung chỉ điều chỉnh khoảng 15%, hay nhóm cổ phiếu FLC sau cuộc khủng hoảng cũng mới mất 60-70% giá trị, nhóm cổ phiếu Trí Việt mất 50-60% sau khi cựu tổng giám đốc bị bắt...
Thaiholding đưa cổ phiếu THD lên sàn tháng 6/2020 với giá tham chiếu chỉ 15.000 đồng (giá điều chỉnh chỉ còn quanh 4.000 đồng sau các đợt phát hành). Cổ phiếu sau đó tạo nên cơn sốt khi có nhiều phiên tăng trần, thị giá được đẩy tăng vọt sau thông tin hợp nhất Thaigroup.
Tại lúc đỉnh điểm, mã chứng khoán này đóng cửa ở mức 277.000 đồng trong phiên cuối cùng của năm 2021. Giá trị vốn hóa Thaiholding khi đó lên gần 97.000 tỷ đồng , từng lọt top 20 công ty giá trị nhất sàn chứng khoán.
Tuy nhiên THD bất ngờ lao dốc gần như thẳng đứng cho đến nay, khiến không ít nhà đầu tư liên tưởng đến nhiều trường hợp "bơm thổi", đẩy giá cao chót vót để rồi rơi tự do trong quá khứ. Giá trị vốn hóa Thaiholdings hiện nay chỉ còn 18.550 tỷ đồng (rời khỏi nhóm vốn hóa tỷ USD), tương ứng bốc hơi 78.400 tỷ đồng .
Tài sản của bầu Thụy cũng chứng kiến đợt suy giảm nghiêm trọng. Vị này đang nắm giữ 87,4 triệu cổ phiếu THD và cả 41,6 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank, bộ đôi cổ phiếu đều giảm mạnh gần đây.
Ở lúc đỉnh cao, giá trị cổ phần mà ông Thụy nắm giữ đạt mức kỷ lục hơn 25.000 tỷ đồng và được dự đoán có khả năng trở thành tỷ phú mới của Việt Nam. Tuy nhiên giá trị cổ phần hiện chỉ còn hơn 5.200 tỷ đồng , tức tài sản vị đại gia này đã bay hơi gần 20.000 tỷ đồng kể từ đầu năm.
Cổ phiếu THD lao dốc không chỉ theo thị trường chung mà còn ảnh hưởng đáng kể bởi vụ việc phải hoàn trả 840 tỷ đồng đã giao dịch với Tập đoàn Tân Hoàng Minh liên quan giao dịch bán cổ phần tại Bình Minh Group (chủ sở hữu của dự án 11A Cát Linh, Hà Nội).
Giao dịch bị yêu cầu hoàn trả do nguồn tiền Tập đoàn Tân Hoàng Minh sử dụng để mua cổ phần Bình Minh Group có liên quan tới các giao dịch phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bị Ủy ban Chứng khoán hủy bỏ mới đây.
Chủ tịch Yeah1 chỉ thu hơn 60 tỷ đồng
Một nhân vật khác cũng chứng kiến tài sản lao dốc không phanh gây chú ý là ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - nhà sáng lập kiêm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Yeah1 (Mã: YEG).
Ông chủ Yeah1 cũng vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 4 triệu cổ phiếu YEG, tương ứng 13% vốn điều lệ theo phương thức giao dịch thỏa thuận/khớp lệnh. Thời gian thực hiện từ ngày 1/6 đến 10/6.
"Nỗi đau" nhìn tài sản bay hơi của ông Tống cũng không kém cạnh khi cổ phiếu YEG vẫn đang trong chuỗi ngày lao dốc về vùng đáy lịch sử quanh 16.250 đồng.
Thị giá này đã giảm 35% kể từ đầu năm và nếu so với đỉnh lịch sử hồi tháng 6/2018 thì đã bốc hơi 95% giá trị. Vị đại gia này dự kiến chỉ thu được 65 tỷ đồng nếu bán được toàn bộ số cổ phần trên.
Nhà sáng lập Yeah1 từng gây sốt cho giới tài chính khi đưa doanh nghiệp lên sàn năm 2018 với định giá cao ngất ngưởng 300 triệu USD , tại mức giá chào sàn 250.000 đồng. Cổ phiếu tiếp đó tăng lên đỉnh lịch sử 343.000 đồng để trở thành mã có thị giá cao nhất lúc bấy giờ.
Tại thời điểm đưa cổ phiếu niêm yết, ông Tống sở hữu khoảng 7,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 27% vốn). Theo đó giá trị số cổ phần YEG mà vị này từng nắm giữ đạt mức cao nhất hơn 2.500 tỷ đồng , lọt top những người giàu có bậc nhất trên sàn chứng khoán.
Việc mất giá của cổ phiếu YEG đến sau cuộc khủng hoảng với YouTube khiến các hoạt động kinh doanh của Yeah1 bị ảnh hưởng sâu rộng, lợi nhuận liên tục đi xuống và thậm chí thua lỗ. Những cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều đột phá.
Từng được gọi là doanh nhân nghìn tỷ nhưng đến nay ông Tống chỉ có thể bán ra cổ phiếu với vài chục tỷ đồng. Việc thoái hết vốn cũng để ngỏ khả năng nhà sáng lập rút lui khỏi các chức vụ quan trọng hoặc chỉ đứng tên cho nhóm chủ mới.
Trong một diễn biến liên quan, Yeah1 mới đây đã công bố tài liệu họp cổ đông để xin ý kiến về phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng quy mô hoạt động, bao gồm đầu tư và trả nợ.
Theo đó, Hội đồng quản trị trình kế hoạch phát hành tối đa hơn 78,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Vốn điều lệ dự kiến tăng mạnh từ 313 tỷ đồng lên gần 1.100 tỷ đồng.