Đầu tháng 4, tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện 7 đại diện trong số 2.668 tỷ phú giàu nhất thế giới, bao gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Trong 7 cái tên, ông Bùi Thành Nhơn là doanh nhân Việt Nam mới nhất góp mặt. Vị lãnh đạo Nova Group sở hữu 2,9 tỷ USD, xếp thứ 1.053 trong danh sách.
Tính đến ngày 11/3, tức thời điểm Forbes chốt số liệu tài sản dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái, 7 tỷ phú Việt Nam nắm giữ khoảng 21,2 tỷ USD. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, 6 tỷ phú còn lại nhìn chung đều gia tăng tài sản so với năm ngoái.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang có mức gia tăng tài sản cao nhất, đạt 36%, kế tiếp lần lượt là ông Trần Đình Long (31%), ông Hồ Hùng Anh (30%), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (9,6%). Tài sản của ông Trần Bá Dương đầu năm không biến động, giữ mức 1,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, trước tình trạng thị trường chứng khoán trong nước liên tục suy yếu, tài sản của các tỷ phú Việt hầu hết đều giảm sâu, có người bốc hơi tới 50%. Tính đến phiên giao dịch ngày 3/10, quy mô tài sản của 7 tỷ phú thu hẹp còn 15,8 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại 25,4%.
Ông Phạm Nhật Vượng chứng kiến mức sụt giảm giá trị tài sản ròng lớn nhất, khoảng 2 tỷ USD , tương đương 32,2%. So với mức đỉnh 7,3 tỷ USD ghi nhận vào năm 2021, tài sản của ông Vượng đã giảm 42,5%.
Hiện chủ tịch Vingroup nắm giữ 4,2 tỷ USD , thậm chí thấp hơn giá trị tài sản hồi năm 2018, khoảng 4,3 tỷ USD. Thứ hạng của ông Vượng cũng lùi từ 411 xuống 631, tức giảm 220 bậc.
Trên thị trường chứng khoán, một trong những cổ phiếu “họ Vin” tiêu biểu là Vingroup (mã: VIC) đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/10 ở mức 55.500 đồng/đơn vị. So với thị giá ngày 11/3 (79.000 đồng/cổ phiếu), giá cổ phiếu VIC đã giảm khoảng 29,8%.
Dù có giá trị sụt giảm thấp hơn, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long lại có tỷ lệ thiệt hại lớn nhất, khoảng 50%. Trong vòng gần 7 tháng, tài sản của lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát giảm từ 3,2 tỷ USD xuống 1,6 tỷ USD.
Trên thực tế, kể từ thời điểm lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes hồi năm 2018, năm 2022 là giai đoạn giá trị tài sản của ông Long lập đỉnh. Song, việc tài sản ròng bị điều chỉnh liên tục khiến thứ hạng của vị tỷ phú 61 tuổi rơi 709 bậc.
Giai đoạn 11/3-3/10, HPG, một trong những cổ phiếu “quốc dân” do thường xuyên dẫn đầu giá trị lẫn khối lượng giao dịch trong ngày, cũng giảm sâu từ mốc 47.600 đồng xuống còn 19.750 đồng, tức 41,9%. Ngay trong phiên 3/10, HPG tiếp tục bị nhà đầu tư bán tháo và giảm kịch sàn, lần đầu tiên kể từ phiên 20/6.
Nhóm có quy mô tài sản giảm mạnh tiếp theo là ông Nguyễn Đăng Quang, giảm 0,5 tỷ USD (-26,3%) còn 1,4 tỷ USD ; ông Hồ Hùng Anh, giảm 0,6 tỷ USD (-26%) còn 1,7 tỷ USD ; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, giảm 0,7 tỷ USD (-22,5%) xuống 2,4 tỷ USD.
Cổ phiếu doanh nghiệp đại diện 3 tỷ phú có diễn biến lần lượt là: Masan (mã: MSN) giảm từ mốc 142.500 đồng/cổ phiếu xuống 94.000 đồng/cổ phiếu (-34%); Techcombank (mã: TCB) giảm 48.900 đồng/cổ phiếu xuống 30.250 đồng/cổ phiếu (-38,2%); VietJet Air (mã: VJC) giảm 142.500 đồng/cổ phiếu xuống 110.000 đồng/cổ phiếu (-22,9%).
Tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình chỉ giảm 0,1 tỷ USD suốt 7 tháng qua, tương đương mức thiệt hại 6,25%. Chủ tịch Thaco và gia đình vẫn nắm khoảng 1,5 tỷ USD, ngang mức hồi năm 2020.
Riêng Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn chứng kiến tài sản gia tăng 0,1 tỷ USD lên 3 tỷ USD. Giá cổ phiếu Novaland Group (mã: NVL) cũng tăng nhẹ từ 77.200 đồng/cổ phiếu lên 82.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 6%.