Tờ Bloomberg tính toán, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - người đàn ông giàu nhất Việt Nam sắp tăng vọt thêm 11 tỷ USD. Khi ấy, ông Vượng sẽ lọt vào nhóm xếp hạng cao hơn trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Theo đó, hiện ông Phạm Nhật Vượng đã chuẩn bị sẵn sàng đưa nhà sản xuất xe điện VinFast của mình IPO thông qua sáp nhập với một công ty SPAC do ông trùm sòng bạc Lawrence Ho thành lập. Thỏa thuận này sẽ mang lại cho VinFast định giá ở mức 23 tỷ USD.
Vào thứ năm tuần này, các cổ đông của Black Spade Acquisition Co. sẽ bỏ phiếu về việc có hoàn tất thương vụ hay không. Nếu suôn sẻ, đây sẽ là giao dịch mua lại công ty có mục đích đặc biệt lớn thứ ba trong lịch sử và trên giấy tờ, tài sản của ông Vượng có thể tăng từ khoảng 5 tỷ USD lên tới 16 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Dĩ nhiên vẫn có những khó khăn phía trước. Sự bùng nổ công ty SPAC trong thời kỳ đại dịch đã phai nhạt và nếu các giao dịch gần đây tiếp diễn, giá trị vốn chủ sở hữu của công ty có thể giảm ngay sau khi cổ phiếu bắt đầu giao dịch.
Riêng trong lĩnh vực xe điện, kể từ tháng 6/2020, ít nhất năm cổ phiếu đã tăng vọt trong thời gian ngắn sau khi niêm yết thông qua SPAC, trước khi sụp đổ và đốt hàng núi tiền của nhà đầu tư. Một trong số đó có thể kể đến là Lordstown Motors Corp, công ty này đã nộp đơn xin phá sản vào tháng sáu.
VinFast cũng đang gặp phải một số khó khăn nhất định như trong vấn đề vận hành. Công ty cũng cắt giảm một số lực lượng lao động tại Mỹ. Trong 6 năm hoạt động, VinFast đã huy động được 9,3 tỷ USD để trang trải chi phí hoạt động, phần lớn nguồn tiền đến từ các hoạt động kinh doanh khác của ông Vượng.
Tuy nhiên, công ty dự báo doanh số bán hàng sẽ đạt 45.000 đến 50.000 chiếc trong năm nay và cho biết họ có thể sản xuất xe bán tải điện, ô tô mini và các mẫu xe khác nếu thị trường có nhu cầu. Công ty cũng đã bắt đầu xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina vào tháng trước và ông Vượng dự đoán VinFast sẽ hòa vốn vào cuối năm 2024.
Về phần mình, ông Vượng vẫn cam kết tài chính với VinFast, công ty đã bắt đầu sản xuất ô tô động cơ đốt trong trước khi tập trung vào xe điện. Ông đã đầu tư ít nhất 300 triệu USD vào VinFast và ông đã cam kết thêm 1 tỷ USD nữa.
Ông Vượng khởi nghiệp ở Ukraine với mì ăn liền. Vào năm 2010, ông đã bán doanh nghiệp mì cho Nestle SA với số tiền không được tiết lộ.
Trong khi đó, ông đã bắt đầu đặt nền móng cho một doanh nghiệp Việt Nam là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup. Ban đầu tập trung vào bất động sản, hoạt động của tập đoàn mở rộng sang các khu nghỉ dưỡng, trường học, trung tâm mua sắm… Tập đoàn có doanh thu 4,3 tỷ USD vào năm 2022, tương đương khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.
VinFast là bước đột phá đầu tiên của tập đoàn vào lĩnh vực sản xuất xe. Trong những năm qua, công ty đã đưa một lượng lớn người nước ngoài có kinh nghiệm từ các nhà sản xuất ô tô như Ford Motor và General Motors đến Việt Nam.
VinFast cho biết với tư cách là một công ty khởi nghiệp, họ đòi hỏi nhân viên có “mức độ linh hoạt nhất định trong công việc và tốc độ thực hiện không phù hợp với tất cả mọi người”.
Hồ sơ pháp lý cho thấy ông Vượng sẽ kiểm soát 99% cổ phần sau khi sáp nhập, một phần thông qua cổ phần do vợ ông là bà Phạm Thu Hương và Vingroup nắm giữ. Tỷ phú sòng bạc Ho và nhánh đầu tư của ông, cùng với một nhóm người khác có liên kết với công ty SPAC, sẽ nắm giữ số cổ phần còn lại.
IPO thông qua việc sáp nhập SPAC mang lại nhiều lợi thế cho ông Vượng, cho phép ông bán cổ phần trong tương lai, trao thưởng cho các giám đốc điều hành bằng cổ phần và giúp VinFast nổi tiếng hơn trước công chúng, đặc biệt là ở Mỹ.
“Điều quan trọng cần lưu ý là mục tiêu chính của chúng tôi thông qua giao dịch được đề xuất với Blank Spade luôn là trở thành một công ty niêm yết đại chúng, chứ không phải huy động vốn”, VinFast cho biết. “Tuy nhiên, việc niêm yết tại Mỹ cung cấp cho chúng tôi khả năng tiếp cận các nguồn vốn bổ sung cho bất kỳ nhu cầu tiềm năng nào trong tương lai và chúng tôi sẽ xem xét một đề nghị tiếp theo khi thời điểm thích hợp”.