Đối với người Trung Quốc, ý nghĩa của việc "trông có vẻ giàu có" đã thay đổi trong nhiều năm gần đây. Mặc dù họ không tiếc tiền, nhưng cách mua sắm của người giàu đã bắt đầu thay đổi.
Đã qua rồi cái thời những logo hào nhoáng bóng bẩy có mặt ở khắp mọi nơi. Thay vào đó, xu hướng "old money" đang ngày càng trở nên phổ biến mà ở đó, sự thanh lịch mới là yếu tố cốt lõi. Bộ trang phục có thể nhìn tối giản nhưng phải chất lượng, những món đồ phải vượt thời gian. Không Gucci hay Chanel từ đầu đến chân. Không có màu sắc sặc sỡ, không có họa tiết Louis Vuitton toàn thân.
Giải mã sức hút của phong cách "tiền cũ"
Khi xây dựng hình ảnh của mình theo phong cách "old money" - phương Tây gọi là thẩm mỹ cổ điển - bạn phải có vẻ ngoài chỉn chu và hài hòa, nhưng đủ tự nhiên và tinh tế để trông như thể không chải chuốt chút nào.
Điều này trái ngược với phong cách "tiền mới", khi trang phục hay ngoại hình đều phải hào nhoáng, lấp lánh hết mức có thể để thể hiện sự giàu có của mình.
Làn sóng "old money" nổi lên ở Trung Quốc cũng tương tự với xu hướng "quite luxury" đang bùng nổ ở Mỹ và châu Âu - một phản ứng dễ hiểu đối với môi trường kinh tế đang chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc người giàu phung phí của cải vào thời điểm này không phải là điều khôn ngoan.
Từ lâu, Trung Quốc đã không khuyến khích người dân theo đuổi hàng hóa xa xỉ và lối sống xa hoa quá mức, phô trương sự giàu có. Những biển quảng cáo có đầy các thuật ngữ như "Sang trọng" hay "Cao cấp" cũng không còn hiện diện tại các thành phố lớn.
Năm 2021, trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, hàng nghìn tài khoản và video liên quan đến việc phô trương sự giàu có quá mức đã bị xóa sổ. Nội dung bị xóa hầu hết đều liên quan đến việc khoe số tiền mặt khổng lồ, những món đồ xa xỉ như đồng hồ và chìa khóa những chiếc ô tô hào nhoáng.
Sự bùng nổ trên mạng xã hội, người người học theo
Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, sự xa xỉ thầm lặng ngày càng trở nên phổ biến. Mọi người đã đăng các nội dung, hình ảnh hướng dẫn theo đuổi phong cách "tiền cũ" và thu hút đông đảo sự chú ý.
Trên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc, các bài đăng có hashtag "laoqian" (tiền cũ) đã có tổng cộng gần 1,7 triệu lượt xem. Con số này không chỉ dừng lại ở đó mà luôn tăng nhanh theo thời gian.
Điểm chung về ngoại hình của những người này là sử dụng tông màu pastel nhẹ nhàng. Kiểu dáng quần áo đa phần đơn giản, nhấn mạnh vào cách kết hợp trang phục phù hợp với dáng người.
"Phong cách ăn mặc của họ tinh tế hơn và phản ánh sự điềm tĩnh, chín chắn đáng ngưỡng mộ", đây là điều mà hầu hết mọi người đều nhận định về phong cách này.
Xu hướng thẩm mỹ cổ điển lên ngôi không đồng nghĩa với sự suy giảm của ngành hàng xa xỉ tại Trung Quốc. Thay vào đó, khi các "ông lớn thời trang" kịp thời chuyển hướng, nắm bắt xu hướng, họ vẫn có thể đạt được thắng lợi lớn tại thị trường tỷ dân. Các chuyên gia cho rằng, chính những thương hiệu xa xỉ cấp cao sẽ được hưởng lợi.
Không phải tự nhiên mà Richemont , Louis Vuitton, Dior và những "lão làng" khác trong thế giới thời trang luôn có các tác phẩm kinh điển, trường tồn với thời gian. Họ không ngừng thử thách các phong cách mới, nhưng phong cách cũ vẫn được tôn trọng không kém. Nhiều cái tên còn là biểu tượng của sự sang trọng tinh tế - rất phù hợp với xu hướng "tiền cũ".
Thomaï Serdari, giám đốc chương trình MBA thời trang và sang trọng tại Trường Kinh doanh Stern của NYU, có sự thay đổi về trọng tâm của người tiêu dùng có giá trị ròng cực cao ở Trung Quốc. Giờ đây, các chi tiết thiết kế, chất lượng vật liệu và sự tinh tế sẽ lên ngôi thay vì sự hào nhoáng.
*Nguồn: SCMP