Một nghiên cứu được thực hiện bởi hãng tin tức The Star của Malaysia cho thấy: 41% triệu phú tự thân là sinh viên điểm B (mức điểm khá) và 29% là sinh viên điểm C (mức điểm trung bình). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 59% các triệu phú đến từ các gia đình trung lưu trong khi số còn lại xuất thân từ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Kết quả ấy đã chứng minh, những người thành công không phải lúc nào cũng là sinh viên điểm hạng A (mức điểm giỏi) hoặc có điều kiện gia đình "khấm khá". Tức là thành công thực sự phải xuất phát từ sức mạnh bên trong mỗi người.
Khác với quan điểm của nhiều người cho rằng điểm số quyết định sự thành công, thực tế cho thấy, những nhà tuyển dụng ngày nay không thực sự quan tâm đến điểm số. Sau tốt nghiệp, điều quan trọng nhất chính là cách mà một người có thể ứng dụng được kiến thức và kỹ năng vào trong công việc của mình. Chính vì thế, rất nhiều người dù điểm kém trong học tập nhưng sự thành công lại đến sớm hơn và rực rỡ hơn so với nhiều người khác.
Điểm cao được coi là "giấy thông hành" cho một công việc tốt và là quy chuẩn đánh giá sự thành công trong tương lai. Tuy nhiên, điểm số lại không đo lường được khả năng suy nghĩ thấu đáo và cách tư duy giải quyết vấn đề của một người. Nó không đo lường trí tuệ cảm xúc cũng như không xem xét được khả năng lãnh đạo của chúng ta.
Trong khi những phẩm chất này lại cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của một cá nhân trong cuộc sống.
Từ doanh nhân nổi tiếng Richard Branson đến đạo diễn lừng danh Stephen Spielberg, nếu so về bằng cấp, họ không có bất kỳ điểm nổi bật nào nhưng cuộc đời và sự nghiệp họ gây dựng nên lại khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ và tôn kính: một người là tỷ phú lừng danh khắp thế giới, một người là cha đỡ đầu của những thước phim bất hủ như Hàm cá mập, The Color Purple, Saving Private Ryan...
Vậy do đâu mà những người điểm kém vẫn có được sự thành công vang dội như thế? Thứ nhất, họ là những người hiểu rất rõ năng lực của bản thân. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng. Con người vốn luôn mang đặc điểm cố chấp trong tiềm thức, nghĩa là nếu chúng ta không nhận thức một cách rõ ràng về năng lực vốn có của mình, ta rất dễ rơi vào chiếc "bẫy cảm xúc" từ bên ngoài và tin rằng mình giỏi giang.
Tư tưởng này khiến ta thui chột đi ý chí và tinh thần ham học hỏi để nâng cao năng lực. Ngược lại, những người nhận thức rõ bản thân, họ sẵn sàng học tập mọi thứ để hoàn thiện mình, do đó, tốc độ thành công cũng nhanh hơn.
Tiêu biểu nhất chính là vị tỷ phú Jack Ma - một người khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ nhưng lại không giỏi về công nghệ. Nhận thức rõ điều ấy, Jack Ma luôn cố gắng lắng nghe mọi ý kiến từ cấp dưới, thậm chí, nhiều lần ông công khai thừa nhận khuyết điểm này của bản thân với thái độ cực kỳ cầu thị. Điều này vừa tạo sự thiện cảm với người khác, vừa giúp ông có thêm nhiều kiến thức mới về lĩnh vực mình đang theo đuổi.
Thứ hai, những sinh viên điểm "C" thường có cách sống thực tế hơn. Hầu hết họ đều bắt đầu dấn thân làm việc sớm hơn những sinh viên khác, điều này làm điểm số của họ bị giảm xuống nhưng lại giúp họ thu về những kinh nghiệm quý giá hơn từ việc bắt đầu kiếm sống. Trong thời đại mới, khi công nghệ và internet phát triển vượt bậc đã giúp con người đơn giản hóa được rất nhiều công việc chỉ yêu cầu kiến thức và kỹ năng cứng. Do đó, để tạo sự khác biệt trong mắt người tuyển dụng cũng như với cấp trên, sinh viên phải có kỹ năng mềm và vốn sống thực tế nhất.
Điều này đã được Jeff Bezos áp dụng ngay từ vòng phỏng vấn đầu tiên tại Amazon vào 28 năm trước, cụ thể, ông nhấn mạnh: "Kỹ năng giao tiếp thành thạo là điều tối quan trọng. Nhân viên tiềm năng nhất là người có thể trở thành những đồng nghiệp tài năng, năng động, nhiệt huyết và thú vị". Tức là các kỹ năng mềm, kỹ năng sống thực tế mới là điều kiện quyết định khi chúng ta muốn gia nhập vào bất cứ cơ quan, tập thể nào chứ không phải là điểm số trên bằng cấp.
Tỷ phú Elon Musk cho rằng không quan trọng chuyện bằng cấp khi tuyển dụng, miễn bạn giỏi và làm được việc. Thậm chí, nếu ứng viên chỉ có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, họ vẫn có cơ hội làm việc tại Tesla - công ty công nghệ tầm cỡ hàng đầu thế giới.
Đó cũng chính là lý do mà hệ thống giáo dục của nước ta đang có những thay đổi tích cực trong những năm trở lại đây. Khởi đầu là việc thiết lập một khung chương trình mới, trao quyền chủ động nhiều hơn cho người học vào năm 2018. Và tiếp sau đó, những trung tâm, học viện đào tạo kỹ năng mềm cũng được khuyến khích mở rộng, tạo điều kiện để đóng góp nhiều hơn vào quá trình giáo dục thế hệ trẻ hiện nay.
Theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK cho biết: "Mặc dù có khung đánh giá cụ thể, nhưng điểm số không nói lên được tất cả năng lực thế mạnh vốn có của một người. Vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng giống như quá trình hoàn thiện những thiếu sót đó và là sợi dây kết nối giữa kiến thức với thực tế. Nhờ kỹ năng, kiến thức được ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống và ngược lại, kỹ năng giúp việc học trở nên thiết thực và thú vị hơn".
Chúng ta đang dần học cách thay thế quan điểm cũ rằng việc học chỉ nên tập trung vào một khía cạnh: hoặc là kiến thức hoặc là kỹ năng thực tế. Giáo dục hiện đại ưu tiên sự kết hợp nhằm phát triển toàn diện và đánh giá một cách khách quan nhất về năng lực của mỗi cá nhân.
Chẳng hạn, thay vì đánh giá mức độ hiểu bài của học sinh bằng cách bắt các bạn đọc sao y lại kiến thức ghi chép, giáo viên có thể hệ thống hóa kiến thức đó thành một câu chuyện, hoặc sắp xếp thứ tự của nội dung đó một cách logic, làm sao cho ngay cả một người mới chưa từng học qua cũng hiểu được nội dung tổng quát của toàn bài. Hoặc việc khuyến khích thể hiện tư duy phản biện, cởi mở trong việc lắng nghe và chia sẻ các vấn đề xung quanh bài học và cuộc sống cũng đang được áp dụng nhiều hơn, mang lại sự tiến bộ rõ rệt cho các bạn học sinh, sinh viên.
Điểm số không quan trọng, đó là sự thật không thể chối cãi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là kiến thức nền tảng không cần thiết. Để phát triển một cá nhân với đầy đủ năng lực và kỹ năng thực chiến trong công việc, chúng ta cần có sự kết hợp hài hòa giữa việc học kiến thức và trau dồi kỹ năng mềm. Những người thành công nhất trên thế giới như Steve Jobs, Warren Buffett, Obama… bao giờ cũng là những cá nhân có sự tổng hòa giữa kiến thức chuyên sâu và kỹ năng linh hoạt, khéo léo.