Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%). Có thể nói, mức lạm phát của Việt Nam ở ngưỡng thấp trong bối cảnh chung cả thế giới đang đối mặt với lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế.
Đơn cử như châu Âu lạm phát tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước; Mỹ tăng 7,1% và FED; Thái Lan tăng 5,6%; Hàn Quốc tăng 5%; Indonesia tăng 5,4%; Trung Quốc tăng 1,6%; Nhật Bản tăng 3,8%. Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp so với mặt bằng chung khi CPI tháng 12/2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát của Nhật Bản và Trung Quốc.
Lý giải về mức lạm phát thấp, TCTK cho biết, để đạt được thành công này, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tác động lớn tới CPI được kiểm soát giá chặt chẽ. Đối với giá dịch vụ y tế, nếu thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng lộ trình thì năm 2021 phải hoàn thành việc tính đủ các loại chi phí theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này đến nay chưa hoàn thành cũng góp phần kiềm chế tốc độ tăng của CPI. Thêm vào đó, EVN cũng chưa tăng giá điện mặc dù chi phí đầu vào của ngành này như giá xăng dầu, giá than đều đã tăng rất cao.
Đồng thời, Chính phủ và các Bộ, ngành liên tục chỉ đạo các địa phương thực hiện quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, bảo đảm đầy đủ các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm. Giá thịt lợn bình quân năm nay giảm 10,68% so với năm trước, giá nhà ở thuê giảm 1,83% chủ yếu giá giảm trong các tháng đầu năm cũng là những yếu tố giúp kiềm chế tốc độ tăng của CPI.
Năm 2023, mục tiêu lạm phát Quốc hội đặt ra là khoảng 4,5%, cao hơn những năm trước (khoảng 4%), Tổng cục Thống kê cho biết, thời gian tới dự báo tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Lạm phát tiếp tục ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Rủi ro, bất ổn trên thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản trên toàn cầu gia tăng…
Trong nước, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn, khó khăn và nhiều thách thức, nhất là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao; đô la Mỹ đang tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, do đó sẽ càng gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước.
Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý sẽ tác động mạnh tới CPI. Dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục được điều chỉnh giá theo lộ trình sẽ tác động tới CPI trong năm 2023. Giá điện của EVN chưa tăng giá trong những năm gần đây trong khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đã tăng cao, nếu giá điện tăng trong năm 2023 cũng sẽ tạo áp lực lên lạm phát.
Một số chính sách giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2022 như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết ngày 31/12/2022; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Giá xăng dầu dự báo vẫn biến động phức tạp và rất khó dự đoán, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây có xu hướng giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng.
Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp Lễ Tết. Việc tăng lương, tăng giá các dịch vụ do nhà nước quản lý sẽ kéo theo giá các hàng hóa khác tăng theo.
“Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương bị ảnh hưởng, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI”, TCTK nhận định.