Từng là công việc đem lại thu nhập 700.000-800.000 đồng/ngày nhưng đến nay, tài xế xe công nghệ Quốc Đạt - 33 tuổi, trú tại Hà Nội - bắt đầu cảm thấy chán nản khi chỉ kiếm về dưới 300.000 đồng/ngày dù rong ruổi ngoài đường liên tục trong 10 tiếng. Sau khi trừ đủ loại chi phí như ăn uống, nhiên liệu và hao mòn xe, anh nhẩm tính số tiền còn lại chưa đến một nửa.
“Từ cuối tháng 2 đến nay hiếm ngày nào thu nhập của tôi vượt 500.000 đồng. Trước đơn nổ không kịp nghỉ mà giờ lang thang từ 10-22h có 10-15 đơn. Ứng dụng cứ vài tiếng mới bắn đơn một lần”, anh Đạt chia sẻ.
Thu nhập giảm tới 50%
Trao đổi với Zing, Công Huấn - một tài xế công nghệ khác tại Hà Nội - cũng phàn nàn về tình trạng ế khách, không ra đơn thời gian gần đây. Sau gần một năm đăng ký chạy ứng dụng, chưa bao giờ tài xế này rơi vào cảnh ngặt nghèo như vậy.
So với đợt đầu mới hoạt động, anh Huấn cho biết lượng đơn đã giảm khoảng 40-50%. Trên thực tế, tình trạng này gây thiệt hại nặng nề đến thu nhập của các tài xế khi cùng bỏ ngần ấy thời gian, công sức làm việc nhưng kết quả thu lại không tương xứng.
Ngoài nguồn thu nhập chính từ cuốc xe/đơn hàng, việc không giao đủ số đơn cần thiết khiến tài xế khó đạt điều kiện nhận phần thưởng của ứng dụng. Tùy vào mỗi ứng dụng, mức thưởng trực tiếp bằng tiền có thể chiếm 20-30% tổng thu nhập hoạt động của tài xế.
“Tôi chạy một ứng dụng thôi chứ chưa đăng ký hãng khác. Có ngày tôi làm 13 tiếng, ngày ít thì 8 tiếng mà chỉ nhận được 10-12 đơn trong khi trước đó trung bình mỗi ngày 30-35 đơn”, tài xế này phàn nàn.
Nhận thấy không thể bám trụ vào công việc này lâu dài, anh Huấn đành tranh thủ tìm việc làm mới. Trong khi đó để cải thiện thu nhập, tài xế Đạt quyết định đăng ký thêm một ứng dụng để chạy song song.
Tương tự, Đăng Huy - 28 tuổi, trú tại Hà Nội - cũng rục rịch tìm công việc mới. “Mình có dự định chuyển sang làm ngoài chứ không chạy xe công nghệ nữa. Bây giờ ứng dụng nào cũng như nhau, ít khách mà chiết khấu thì cao”, tài xế này cho biết.
Trước đó do được bạn bè gợi ý, anh tranh thủ đăng ký chạy xe vào thời điểm chưa có việc làm. Tuy nhiên chỉ 5 tháng sau, tài xế này nhanh chóng vỡ mộng.
Hoạt động mấy tiếng đồng hồ mà có 2-3 đơn, mỗi đơn 12.000-20.000 đồng tính ra có hơn 50.000 đồng cả buổi, còn âm cả tiền xăng với hao mòn xăng xe
Đặng Huy, tài xế công nghệ ở Hà Nội
“Có lúc 30 phút có một đơn, lúc thì 4-5 tiếng không có đơn nào hay thậm chí cả sáng đến trưa không có một đơn. Gọi lên tổng đài hỏi thì họ nói do lượng khách ít nên đơn cũng giảm đi. Ngày tôi chạy 10 tiếng có hôm cố 14 tiếng, chủ yếu quanh khu vực đông đúc như Cầu Giấy với Bắc Từ Liêm mà làm gì có khách”, người này bức xúc.
Trong khi đó cách đó mấy tháng mỗi ngày anh Huy kiếm về hơn 500.000 đồng thì nay thu nhập từ sáng đến tối có hôm chỉ dao động 100.000-250.000 đồng.
Theo ghi nhận của Zing, tình trạng tài xế than ít khách, khó ra đơn tương đối phổ biến sau Tết và xuất hiện tại nhiều ứng dụng khác nhau như Grab, Gojek hay be. Tại khu vực phía Nam, không ít tài xế công nghệ có phản ánh tương tự.
Các bài đăng rao bán phụ kiện, quần áo xe công nghệ dù mới có “tuổi thọ” sử dụng chưa đầy một tháng cũng liên tục xuất hiện trên các hội nhóm về xe công nghệ. Song trên thực tế, các văn phòng tuyển dụng tài xế của ứng dụng vẫn đón hàng trăm lượt đăng ký mới mỗi ngày.
Ứng dụng nói gì?
Chia sẻ với Zing, đại diện Gojek cho biết ứng dụng không ghi nhận bất kỳ biến động rõ ràng nào liên quan đến lượng đơn hàng trong lĩnh vực di chuyển bằng xe công nghệ tại cả Hà Nội và TP.HCM. Không ngoại trừ khả năng đây là tình trạng mất cân bằng cung - cầu cục bộ liên quan đến các yếu tố như thời điểm, địa bàn hoặc điều kiện thời tiết nhất định chứ không phản ánh toàn cảnh tình hình thị trường.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các yếu tố trên có tác động đáng kể đối với quyết định lựa chọn phương tiện đi lại của khách hàng. Chẳng hạn như vào giờ cao điểm, khách hàng có xu hướng gọi xe 2 bánh thay vì xe 4 bánh để di chuyển cho thuận tiện hơn và ngược lại có xu hướng gọi xe 4 bánh thay vì xe 2 bánh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khi trời mưa to hoặc nóng bức”, đại diện hãng nhận định.
Gojek cũng cho biết đặc điểm của lĩnh vực gọi xe công nghệ là tài xế có thể linh hoạt lựa chọn khung giờ hoạt động cho phù hợp với điều kiện cá nhân, vì vậy số lượng tài xế hoạt động tại cùng một thời điểm trong cùng một ngày hoặc giữa các ngày, các tuần, các tháng không cố định. Điều này cũng diễn ra tương tự đối với nhu cầu của khách hàng.
Nhằm phân bổ nguồn cung tài xế phù hợp, Gojek đã triển khai tính năng dự báo điểm nóng, qua đó giúp tài xế nắm bắt và có thể di chuyển đến những khu vực đang phát sinh nhu cầu.
Ngoài ra, hãng cho biết hệ thống điều phối đơn hàng của Gojek hoạt động dựa trên nhiều thuật toán khác nhau, bao gồm hành vi thực hiện đơn hàng, đánh giá của khách hàng về đối tác tài xế, hiệu suất của đối tác tài xế... “Chúng tôi luôn khuyến khích tài xế nhận và hoàn thành chuyến đi đều đặn, tránh bỏ trôi và hủy đơn để không bị ảnh hưởng đến hiệu suất, từ đó sẽ nhận được lượng đơn hàng ổn định và đều đặn hơn mỗi ngày”, đại diện Gojek thông tin.
Đại diện be cũng thông báo không phát hiện sự thay đổi đáng kể về mặt bằng cung - cầu. Hiện ứng dụng gọi xe này sở hữu khoảng 300.000 đối tác tài xế.
“Lượng tài xế nghỉ và đăng ký mới đều chênh lệch không quá 5%. Chúng tôi còn mở đường dây khuyến khích một số tài xế có tần suất thấp duy trì hoạt động”, đại diện be chia sẻ.
Trong khi đó, Grab, ứng dụng nắm thị phần lớn nhất Việt Nam tại hầu hết phân khúc như di chuyển, giao hàng, từ chối trả lời thông tin liên quan đến vấn đề cung - cầu cũng như đánh giá tình hình lực lượng tài xế. Đại diện ứng dụng chỉ cho biết đang triển khai tính năng mới để tăng nhu cầu sử dụng từ phía khách hàng.