Sau giai đoạn ngụp lặn trong những khó khăn liên tiếp từ cạnh tranh với xe công nghệ và nhu cầu xuống thấp trong đại dịch Covid-19, Công ty cổ phần Ánh dương Việt Nam (Vinasun - VNS) đang tìm lại "ánh mặt trời" sau chuỗi ngày kinh doanh bết bát.
Hãng taxi truyền thống này vừa báo cáo doanh thu tăng trưởng 65% đạt gần 250 tỷ đồng trong quý II. Giá vốn thấp và các chi phí được tiết giảm mạnh giúp lãi sau thuế trên 56 tỷ đồng, con số cao nhất kể từ cuối quý IV/2016 đến nay.
Lãnh đạo Vinasun lý giải do "anh em lái xe đã quay lại công ty để tiếp tục kinh doanh, 100% xe được đưa vào hoạt động (không còn nằm bãi), các chi phí được tiết giảm hợp lý".
Bên cạnh đó, nhờ dịch Covid-19 đã được khống chế nên các hoạt động kinh doanh và giao thương của nền kinh tế phục hồi trở lại. Điều này tác động tích cực đến kết quả hoạt động của công ty, lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với nền thấp của cùng kỳ.
Thực tế theo báo cáo tại cuối quý II, số lượng nhân viên nhóm công ty tăng lên 2.034 người (so với 1.877 người cuối năm ngoái). Đây là quý đầu tiên nhân sự Vinasun tăng trở lại sau 3 năm liên tiếp mất tài xế.
Tính lũy kế nửa đầu năm, công ty taxi ghi nhận doanh thu tăng hơn 10% lên 411 tỷ đồng và lãi sau thuế chuyển sang có lãi 69 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 97 tỷ). Đây là mức lãi bán niên cao nhất từ 2018 nhưng vẫn chỉ bằng phần nửa thời kỳ đỉnh cao 2013-2017.
Trong năm 2022, Vinasun đặt kế hoạch tổng doanh thu kinh doanh tăng 32% lên gần 639 tỷ đồng (trong đó doanh thu từ Vinasun Corp là 584 tỷ) và Vinasun Green là 55 tỷ). Chỉ tiêu lãi sau thuế hơn 27 tỷ, trong khi năm trước lỗ đậm hơn 277 tỷ đồng.
Với kết quả khả quan trong nửa đầu năm, công ty đã sớm vượt kế hoạch lợi nhuận và nếu không gặp bất trắc về cuối năm thì cổ phiếu của hãng taxi này sẽ tránh được án hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Vinasun là hãng taxi chiếm thị phần hàng đầu tại TP.HCM nhưng bắt đầu gặp khó khăn lớn từ năm 2017 khi loại hình tài xế công nghệ xuất hiện và đại dịch Covid-19. Lợi nhuận công ty ngày càng giảm và thậm chí lỗ tổng cộng 488 tỷ đồng trong 2 năm gần nhất.
Tuy nhiên taxi truyền thống đang hưởng lợi trở lại từ nhu cầu đi lại hồi phục mạnh mẽ từ đầu năm, trong khi lượng cung taxi (kể cả tài xế công nghệ) giảm đi rõ rệt; đồng thời cũng chịu áp lực mới về nhân sự, đãi ngộ cũng như chi phí xăng tăng cao.
Với triển vọng kinh doanh tích cực trở lại, Phó tổng giám đốc Đặng Thành Duy gần đây đã đầu tư mua mới 3,39 triệu cổ phiếu VNS từ giữa tháng 5 với mức giá bình quân chỉ 12.500 đồng.
Trong khi đó cổ phiếu VNS đã phản ứng rất tích cực với thông tin lợi nhuận tăng vượt trội. Mã chứng khoán này tăng trần lên 13.350 đồng, khớp lệnh 106.000 đơn vị và vẫn còn lượng dư mua 63.000 cổ phiếu (trong khi mức giao dịch bình quân trước đó chưa đến 10.000 cổ phiếu/phiên).