Cửa hàng bách hóa Takashimaya tại Saigon Centre, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Nbbj.com.
Theo Nikkei Asia, tiêu dùng cá nhân được kỳ vọng tăng trưởng tại Việt Nam, nhưng hiện vẫn có rất ít nhà bán lẻ hàng hóa cao cấp trong nước. Takashimaya đang cân nhắc thiết lập hệ thống bán hàng hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp.
Hãng tư vấn Knight Frank ước tính Việt Nam sẽ có 978 người siêu giàu với tài sản vượt quá 30 triệu USD vào năm 2028, tăng 30% so với năm 2023.
Tuy nhiên, ông Yuki Hojo, người đứng đầu chi nhánh Takashimaya tại TP.HCM cho rằng số lượng thương hiệu đã gia nhập thị trường Việt Nam vẫn còn ít. Ông nhấn mạnh vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp khai thác sức tiêu dùng của tầng lớp có thu nhập cao.
Là cửa hàng bách hóa Nhật Bản đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2016, Takashimaya đặt chi nhánh tại Saigon Center, một khu phức hợp thương mại ở trung tâm quận 1. Năm tài chính kết thúc vào tháng 2, doanh thu hoạt động kinh doanh của cửa hàng này tại Việt Nam tăng 2% đạt 3 tỷ yen (tương đương 21 triệu USD) nhờ các sản phẩm dành cho trẻ em.
Giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 vừa qua, doanh số của Takashimaya tiếp tục tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, ông Yuki Hojo cho biết cửa hàng đang đặt mục tiêu kích thích nhu cầu của giới giàu có bằng cách thu hút các thương hiệu quốc tế chưa có mặt tại Việt Nam.
“Đầu tiên, chúng tôi muốn hiểu rõ nhu cầu từ tầng lớp giàu có trong lĩnh vực doanh nghiệp, đồng thời tạo ra các mối liên hệ trong quá trình xem xét khả năng chuyển đổi khách hàng trong tương lai”, ông Yuki Hojo chia sẻ.
Cụ thể, Takashimaya đang có kế hoạch củng cố tệp khách là các nhà quản lý doanh nghiệp thông qua hoạt động bán hàng ngoài cửa hàng (out-of-store corporate sales) và chủ động liên hệ với những khách hàng này để nhận đơn, trước mắt là những nhu cầu về quà tặng và trang thiết bị văn phòng.
Hiện tại, cửa hàng Takashimaya ở TP.HCM có khoảng 200 khách hàng doanh nghiệp, nhưng phần lớn chỉ mua bánh Trung thu dành tặng đối tác. Ông Yuki Hojo thừa nhận đơn vị này chưa khai thác tốt tệp khách hàng doanh nghiệp như các cửa hàng ở Nhật Bản.
Hồi tháng 4, trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, Chủ tịch Tập đoàn Takashimaya - ông Yoshio Murata - từng tiết lộ mục tiêu tăng gấp đôi lợi nhuận hoạt động tại Việt Nam trong năm tài chính 2027.
Trong bối cảnh phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nội địa Việt Nam, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc và Aeon Mall từ Nhật Bản, Chủ tịch Murata cho biết Takashimaya sẽ tạo nên các cơ sở để cạnh tranh.
“Nhu cầu về sản phẩm chất lượng từ Nhật Bản sẽ tăng lên khi điều kiện sống của người Việt Nam đi lên", Chủ tịch Murata nói.
Ông cho hay công ty con Toshin Development đã bắt đầu xây dựng một khu phức hợp ở Hà Nội, dự kiến khai trương trung tâm mua sắm mới này vào năm 2026. Takashimaya sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ yen (gần 14 triệu USD) vào trung tâm mới này, với diện tích bán hàng khoảng 10.000 m2. Như vậy, Hà Nội sẽ là thành phố thứ 2 của Việt Nam có mặt Takashimaya.
Trước đó, trung tâm mua sắm ở TP.HCM có tổng diện tích 15.000 m2 gồm 5 tầng với số vốn đầu tư lên đến 25 triệu USD. Doanh nghiệp cũng có kế hoạch mở rộng cơ sở tại TP.HCM trong tương lai.