Daniel Yergin cho rằng dầu mỏ (và khí thiên nhiên) đã tạo nên “những thay đổi vĩ đại” trong hơn một thế kỷ nay của lịch sử nhân loại. Một mặt, dầu mỏ có những “cống hiến” to lớn đối với sự phát triển vượt trội của xã hội.
Mặt khác, dầu mỏ cũng trở thành động lực cho những kẻ tham tiền bạc và những thế lực tham quyền lực gây ra chết chóc, bất công xã hội và những cuộc tàn phá kìm hãm nền văn minh nhân loại, đồng thời gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường và khiến tình trạng nóng lên của toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.
Sự bành trướng của dầu mỏ
Chính thế kỷ XX là thế kỷ bị biến đổi hoàn toàn bởi sự xuất hiện của dầu mỏ. Có 3 chủ đề lớn quanh câu chuyện về dầu.
Thứ nhất là sự trỗi dậy và phát triển của chủ nghĩa tư bản và nền thương mại hiện đại. Dầu mỏ là ngành kinh doanh lớn và toàn diện nhất thế giới, là ngành công nghiệp vĩ đại nhất trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ XIX.
Công ty kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ cuối thế kỷ XIX - Standard Oil - là một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên và lớn nhất thế giới. Ngành kinh doanh này đã bành trướng sang mọi đối tượng, từ các nhà khoan dầu mạo hiểm, các nhà thúc đẩy kinh doanh hoạt ngôn, các ông chủ doanh nghiệp độc đoán, tới các bộ máy doanh nghiệp quan liêu lớn và các công ty nhà nước.
Sự bành trướng này giúp thương mại phát triển, thị trường, chiến lược kinh doanh, những thay đổi về công nghệ và các nền kinh tế quốc gia và quốc tế của thế kỷ XX. Khi ấy, không ngành kinh doanh nào có thể định nghĩa rõ ràng và chính xác độ rủi ro và phần thưởng cũng như tầm quan trọng ngành dầu mỏ.
Sang tới thế kỷ XXI, ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn duy trì được sức ảnh hưởng lớn. Trong số 20 công ty hàng đầu trong danh sách 500 công ty có mức doanh thu lớn nhất của Mỹ trên trang Fortune, có đến 7 công ty dầu mỏ.
Cho đến khi con người tìm và áp dụng thành công một nguồn năng lượng thay thế khác, thì dầu mỏ vẫn giữ được uy quyền và tầm ảnh hưởng. Theo Yergin, những thay đổi lớn về giá dầu có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế hay ngược lại, dẫn đến lạm phát và suy thoái kinh tế.
Theo Daniel Yergin, dầu mỏ là loại hàng hóa duy nhất ngày nay mà thông tin về những sự kiện và tranh cãi xung quanh nó được đăng tải thường xuyên trên khắp các mặt báo và tạp chí.
Một cuộc chiến dầu mỏ trong quá khứ
Một trong những cuộc chiến dầu mỏ khốc liệt nhất trước đây được đề cập đến trong sách là cuộc chiến Iran - Iraq đã làm lượng dầu xuất ra thị trường thế giới giảm khoảng 4 triệu thùng mỗi ngày.
Chiến tranh bùng nổ đã làm chấn động thị trường dầu mỏ. Ngày 23/9/1980, máy bay chiến đấu của Iraq bắt đầu các đợt tập kích liên tiếp vào nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới của Iran tại Abadan. Cuộc tập kích kéo dài hơn hai tháng nhằm phá hủy hoàn toàn nhà máy này. Iraq cũng tấn công vào tất cả cảng dầu và trung tâm dầu mỏ của Iran. Ngược lại, phía Iran đã phản công lại bằng cách tấn công vào các cơ sở của Iraq, chặn đứng con đường xuất khẩu của quốc gia này thông qua Vùng Vịnh.
Cuộc chiến tranh đã khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm xuống, nhưng xuất khẩu của Iraq cũng gần như đình lại, điều mà Hussein không tính đến.
Cuộc chiến này đã làm ảnh hưởng lớn tới sản lượng dầu mỏ toàn khu vực và ngay cả các nước xuất khẩu dầu mỏ. Đến năm 1987, cuộc chiến thậm chí đã vượt ra khỏi phạm vi hai nước tham chiến và lan rộng ra cả khu vực, lôi kéo các nước Ả Rập tại Vùng Vịnh và cả hai siêu cường quốc là Mỹ và Anh.
Vào mùa xuân 1988, Iraq nhờ có vũ khí hóa học đã giành được phần thắng. Khả năng và ý chí để theo đuổi cuộc chiến của người Iran đã không còn. Kinh tế Iran cũng bị khủng hoảng nghiêm trọng. Thất bại này đã làm chế độ thống trị của Khomeini mất đi mọi sự ủng hộ.
Ngay khi Hiệp định ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/8/1988, Iraq lập tức khánh thành những chuyến tàu chở dầu từ Vùng Vịnh, vốn bị đình trệ trong suốt 8 năm qua. Iran thông báo về dự định tái thiết nhà máy lọc dầu lớn ở Abadan, nơi khởi nguồn ngành công nghiệp dầu mỏ ở Trung Đông, và cũng là nơi bị tàn phá nặng nề kể từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến năm 1980.
Sau 7 năm 11 tháng, chiến tranh Iran - Iraq kết thúc trong bế tắc dù phần thắng đã thuộc về Iraq. Sau chiến thắng, mục tiêu của Iraq là áp đặt ảnh hưởng của mình lên Vùng Vịnh, khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Nhưng chiến tranh Iran - Iraq kết thúc còn ý nghĩa nhiều hơn thế. Cuối cùng thì nguy cơ chảy máu dầu khu vực Trung Đông đã bị loại bỏ, Vịnh Ba Tư đã không còn tiếng súng. Thời kỳ khủng hoảng liên tiếp ở thế giới dầu mỏ cuối cùng đã kết thúc.
Một thời kỳ mới đã bắt đầu không chỉ vì chiến tranh kết thúc mà còn do những thay đổi trong mối quan hệ giữa các nước xuất khẩu và các nước tiêu thụ dầu mỏ. Các nước tiêu thụ hiểu rằng dầu mỏ, nền tảng kinh tế của họ, không phải là thứ có thể cho không. Các nước xuất khẩu cũng hiểu họ không thể xem nhẹ thị trường và các nước tiêu thụ. Thực tế cho thấy ảnh hưởng của kinh tế lớn hơn chính trị rất nhiều.