Giá vàng giao ngay đã tăng vọt lên trên 1.900 USD/ounce, tăng khoảng 18% kể từ đầu tháng 11 khi áp lực lạm phát giảm bớt, trong bối cảnh thị trường nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm nhiệt huyết trong việc tăng lãi suất.
Trong năm ngoái, lãi suất tăng nhanh đã cản trở thị trường vàng, đẩy giá kim loại quý này giảm xuống mức thấp, chỉ 1.613,60 USD/ounce vào tháng 9/2022, từ mức cao 2.069,89 USD vào tháng 3/2022 - chỉ kém chút ít so với mức cao kỷ lục lịch sử đã từng chạm tới hồi năm 2020.
Lãi suất tăng đẩy lợi tức trái phiếu tăng lên, khiến cho vàng – tài sản vốn không có lãi suất - trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tài chính, đồng thời - đẩy đồng đô la Mỹ lên mức cao nhất trong 20 năm, khiến vàng - định giá bằng USD - trở nên đắt đỏ hơn đối với nhiều người
Các nhà phân tích của Bank of America cho biết đồng tiền Mỹ suy yếu và lợi suất trái phiếu "sẽ trở thành những cơn gió vĩ mô đối với kim loại màu vàng, đẩy giá tăng lên lên trên 2.000 USD/oz trong những tháng tới".
Nhà phân tích Nitesh Shah của WisdomTree cho biết, với áp lực từ đồng USD và trái phiếu giảm đi, các nhà đầu tư có thể mua vàng thỏi như một ‘hàng rào’ chống lại lạm phát và bất ổn kinh tế, đồng thời cho biết thêm rằng giá có thể dễ dàng vượt qua mức 2.100 USD/ounce vào cuối năm nay.
Theo truyền thống, vàng được coi là nơi an toàn để cất giữ của cải. "Nguy cơ các ngân hàng trung ương lạm dụng nó và đẩy nền kinh tế của họ vào suy thoái là rất cao," ông Shah nói.
Các nhà đầu cơ đã mua ròng 8,3 triệu ounce vàng trên sàn COMEX trong tháng 11/2022 vào tháng 11, trị giá 16 tỷ USD, giúp đẩy giá lên cao sau đó.
Các nhà phân tích dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục dự trữ vàng sau khi đã gia tăng mua kim loại quý này trong 9 tháng đầu năm 2022 so với bất kỳ năm nào trong nửa thế kỷ qua, theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết nhu cầu bán lẻ đối với vàng miếng và tiền xu cũng sẽ duy trì mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự hồi phục của tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết vàng có thể đã tăng quá nhanh trong ngắn hạn và cần phải có một khoảng thời gian điều chỉnh xuống thấp hơn.
Ngân hàng này cho biết: "Nếu giá giảm từ mức hiện tại xuống phạm vi 1.870-1.900 USD/ounce, chúng tôi cho rằng xu hướng (đi lên) sẽ đảo ngược," ngân hàng cho biết thêm rằng nếu vàng giảm xuống dưới 1.800 USD, nó có thể trượt xuống mức 1.730 USD.
Tuy nhiên, đồng USD dự báo sẽ tiếp tục yếu đi sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá kim loại quý này trong năm 2023.
Các nhà phân tích đang rất chú ý tới yếu tố tỷ giá USD. Tuần trước, Joe Foster, nhà chiến lược và quản lý danh mục đầu tư, và Imaru Casanova, phó giám đốc danh mục đầu tư của VanEck, cho biết họ thấy một số lý do để tin rằng đồng bạc xanh đã đạt đỉnh, với việc chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – đã giảm gần 10,5% kể từ khi đạt mức cao nhất trong 20 năm vào tháng 9 năm ngoái.
"Chúng tôi cho rằng đồng đô la Mỹ sẽ suy yếu hơn nữa nếu suy thoái kinh tế có dấu hiệu gia tăng", hai chiến lược gia cho biết trong một báo cáo công bố tuần trước.
Triển vọng vàng sẽ tiếp tục tăng giá được đưa ra khi giá vàng giữ vững ở mức trên 1.900 USD/ounce, trong khi Dollar index giao dịch quanh mức 102 điểm.
Đường cong lợi suất dốc ngược và tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ một cách mạnh mẽ là hai lý do quan trọng khiến các nhà phân tích dự đoán hoạt động kinh tế Mỹ sẽ yếu đi trong năm mới.
"Chỉ 9 tháng thắt chặt các điều kiện tài chính đã dẫn đến sự sụp đổ của thị trường nhà ở, sự sụp đổ của tiền điện tử, sự thất bại của các công cụ phái sinh đối với các quỹ hưu trí của Anh và sự sụp đổ của một sàn giao dịch tiền điện tử lớn. 9 tháng tới sẽ mang đến những rủi ro gì khi một nền kinh tế chậm lại có khả năng gây ra nhiều tác động hơn nữa?" các nhà phân tích cho biết.
Ông VanEck cũng nhận thấy sự không chắc chắn về địa chính trị đang gia tăng, đè nặng lên đồng đô la Mỹ khi vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới tiếp tục bị lu mờ.
Hai ông Foster và Casanova cho biết: "Ngày càng có nhiều người miễn cưỡng dựa vào đồng đô la Mỹ để dự trữ ngoại hối và giao dịch thương mại kể từ khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đóng băng hơn một nửa trong số 500 tỷ đô la dự trữ ngoại hối của Nga". Một số người bắt đầu cân nhắc có nên tiếp tục mua USD hay trái phiếu kho bạc Mỹ hay không?
Cùng với sự suy yếu của đồng đô la Mỹ, ông VanEck cho biết mối đe dọa lạm phát đang diễn ra sẽ khiến vàng trở thành một hàng rào hấp dẫn để bảo toàn tài sản. Các nhà phân tích cho biết không có khả năng Cục Dự trữ Liên bang đã kiểm soát được lạm phát. Họ lưu ý rằng khoản nợ ngày càng lớn của chính phủ, đã lên tới 31,4 nghìn tỷ USD, tương đương 124% GDP, đang trở thành một khoản chi phí đáng kể.
Hai vị chuyên gia nói thêm rằng họ kỳ vọng nhu cầu hàng hóa vững chắc, ngay cả khi đối mặt với suy thoái kinh tế, sẽ góp phần đẩy lạm phát tiếp tục gia tăng.
"Thị trường năng lượng chắc chắn sẽ có nhiều biến động hơn, trong khi cơn sốt chuyển sang công nghệ xanh sẽ gây áp lực tăng giá đối với nhiều loại hàng hóa. Một khi Fed ngừng thắt chặt chính sách, chúng ta sẽ theo dõi làn sóng lạm phát tiếp theo. Fed có thể thấy làn sóng thứ hai khó khăn hơn hoặc thậm chí không thể giải quyết được," các nhà phân tích cho biết.
Trong khi vàng có rất nhiều tiềm năng vào năm 2023, ông VanEck nói rằng chìa khóa để giá cao hơn vẫn là nhu cầu mới của nhà đầu tư.
Các nhà phân tích cho biết: "Các quỹ ETF vàng thỏi trên toàn cầu đã trải qua tình trạng rút tiền ồ ạt từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2022. Dòng tiền chảy ra hiện đã dừng lại và mặc dù có lẽ cần phải có một chất xúc tác mạnh hơn để thúc đẩy dòng vốn chảy vào, nhưng ít nhất áp lực bán đã giảm bớt".
Với từng đó lý do, hoàn toàn có cơ sở khi tin rằng năm 2023 thị trường sẽ một lần nữa lại tập trung vào kim loại màu vàng.