Kết phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index giảm mạnh 38,61 điểm, lùi về mức 1.035,91 điểm, tổng cộng nguyên tuần giảm 8,5% mất 96,2 điểm. HNX-Index giảm 9,04 điểm, dừng ở mức 226,09 điểm, cả tuần giảm 9,65% tương ứng giảm 24,16 điểm.
Trung bình, trên HoSE khối lượng khớp lệnh đạt hơn 540 triệu đơn vị cổ phiếu/phiên, thanh khoản tăng 2,23% so với tuần trước. Sàn HNX đạt 60 triệu đơn vị cổ phiếu/phiên, sàn này giảm 4,67% so với phiên giao dịch tuần trước.
Trong phiên ngày 7/10, thị trường chứng khoán Việt Nam xác lập vị trí giảm mạnh nhất thế giới, lao dốc 3,59%. Giữa bối cảnh Ngân hàng Trung ương thế giới đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ và dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán.
Mức thua lỗ của người nắm giữ cổ phiếu quá nhiều, chấp nhận bán tháo cổ phiếu như một cách gỡ gạc trước đà giảm không có tín hiệu hồi sinh của thị trường – thị trường đi đến khúc khốc liệt nhất, giải chấp kết hợp nhiều thông tin bất lợi.
Thống kê giao dịch trên HoSE tuần qua.
Ngay phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index đã mất gần 46 điểm, chỉ duy nhất ngày thứ tư (phiên ngày 5/10) hồi phục, nhưng không đủ gỡ gạc lại đà giảm của đầu tuần và 2 phiên giao dịch cuối tuần mất thêm 68,35 điểm, thị trường về đáy 1.030 điểm.
Tiêu cực nhất thị trường là nhóm Large Cap của ngân hàng, thép, bất động sản,… như VCB, MSN, BID, HPG và TCB,… kéo chỉ số chung giảm mạnh tuần qua. Ngược lại, bộ đôi VIC và VHM góp 9 điểm quý giá cho thị trường.
Về nhóm ngành, nguyên tuần thị trường giảm điểm mạnh, toàn bộ 25 nhóm ngành không thoát được cảnh bị bao phủ sắc đỏ, thậm chí là xanh sàn hàng loạt. Khối tài chính giảm rất mạnh như chứng khoán, ngân hàng hay bảo hiểm, trong đó các mã cổ phiếu từ vị trí là trụ đỡ thành gánh nặng chỉ số như: VND, HCM, VCI, TCB, LPB, MIG,… đều giảm điểm mạnh.
Bất động sản khá ảm đạm khi gánh trên vai nhiều mã giảm cận và trên mức 20% như DXG giảm 19,46%, CEO giảm 23,96% và IJC giảm 19,16%,… Tuy nhiên vẫn là sự hiện diện của hai mã VHM (+6,11%), VIC (+9,45%) và HDC (+5,07%) gồng gánh nhóm ngành này.
Nhóm ngân hàng tuy giảm điểm mạnh, vẫn có một mã cổ phiếu lội dòng là EIB tăng 8,77%, khối lượng giao dịch và dòng tiền tăng mạnh trên mức trung bình 20 ngày gần nhất đang ủng hộ mã cổ phiếu này đi lên.
Giao dịch khối ngoại trên HoSE tuần qua.
Khối ngoại tăng cường bán ròng hơn 650 tỷ đồng trên hai sàn niêm yết. Trên HoSE bán ròng gần 687 tỷ đồng, 36 tỷ đồng trên sàn HNX.
Nguồn thông tin trên thế giới gần đây tác động mạnh đến thị giá chứng khoán, nổi bật là tương lai của Ngân hàng khổng lồ 170 tuổi Credit Suisse, trên cả giới doanh nghiệp và chính trị. Nếu Credit Suisse phá sản, đây sẽ là một cú sốc, châm ngòi cho những cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế nghiêm trọng trong bối cảnh đại suy thoái của kinh tế hiện nay. Hiện các nhà giao dịch (trader) và nhà đầu tư đang gấp rút bán cổ phiếu, trái phiếu của Credit Suisse, chuyển sang mua CDS – một công cụ phòng vệ rủi ro tài chính nếu Credit Suisse phá sản, các công ty và cơ sở bị vỡ nợ đẩy các khoản phí của Credit Suisse lên cao.
Vì vậy tâm lý nhà đầu tư Việt Nam cũng bị tác động, sự bi quan về thị trường chứng khoán không cải thiện. Những đợt lên xuống bất ngờ của chứng khoán thế giới cộng thêm nỗi lo suy thoái toàn cầu càng làm cho niềm tin về chứng khoán Việt Nam giảm xuống thấp.