Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4%.
Đóng góp của khu vực dịch vụ cho GDP quý II/2022 khá cao với tốc độ tăng trưởng 8,56%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP quý II/2022 tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. GDP 6 tháng cũng tăng 6,42%. Kết quả này là minh chứng cho bức tranh kinh tế khởi sắc rõ nét và nhiều lĩnh vực đang đà phục hồi mạnh mẽ.
GDP quý II “tăng tốc”
Nhìn vào kết quả kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã có mức tăng trưởng khá cao kể từ quý I/2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện và làm sụt giảm tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, kinh tế quý II đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây, đạt 7,72% với tốc độ tăng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ lần lượt là 3,02%, 8,87% và 8,56%.
Trong tổng số 7,72% GDP quý II, đóng góp của khu vực dịch vụ khá cao với tốc độ tăng trưởng 8,56%, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 trở lại đây, cao hơn quý II năm 2016 (là quý có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2) gần 1 điểm phần trăm và đóng góp 3,89 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.
Một kết quả tích cực nữa là khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 đạt 602.000 lượt người (gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước) và du lịch nội địa sôi động trở lại.
Đồng thời, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá cũng là động lực cho tăng trưởng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Trước băn khoăn của dư luận về thực tế kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy khá lạc quan. Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tính toán GDP hàng quý được thực hiện theo 2 phương pháp nhằm xem xét kết quả hoạt động sản xuất của toàn bộ nền kinh tế.
Trước tiên, theo phương pháp sản xuất, kết quả sản xuất của các ngành kinh tế tạo ra trong quý được tiếp cận từ các đơn vị gồm: Doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, cơ sở kinh doanh cá thể, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, các đơn vị sự nghiệp… qua các chỉ tiêu về doanh thu, chi phí, sản lượng, diện tích… từ các nguồn gồm: Điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê quốc gia, hồ sơ hành chính…
Theo phương pháp sử dụng, GDP được tính toán dựa vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ; số liệu về thu, chi ngân sách Nhà nước (từ Bộ tài chính); trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ (số liệu từ Tổng cục Hải quan); kết quả hoạt động xây dựng, nhập khẩu máy móc thiết bị và từ kết quả nhiều cuộc điều tra khác…
“Quan sát theo cả góc độ sản xuất và sử dụng sẽ cho kết quả biên soạn GDP đầy đủ hơn khi có sự bổ trợ thông tin để kiểm tra chéo về sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra”, bà Hương nói.
Kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thời gian qua, giá nhiều mặt hàng tăng cao nhưng lạm phát 6 tháng chỉ tăng 2,24%. Đây cũng là điều mà dư luận còn băn khoăn.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, mặc dù từ đầu năm đến nay có nhiều yếu tố tác động làm tăng CPI như giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt, bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm.
Giá gas trong nước 6 tháng tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.
Giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở,… cũng tăng tác động đến CPI.
Tuy nhiên, bên cạnh đó một số yếu tố đã giúp kiềm chế lạm phát những tháng đầu năm. Cụ thể: Giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm.
Giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56% vì một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm.
Giá bưu chính viễn thông giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá; các chính sách được ban hành kịp thời như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4/2022.
Bà Nguyễn Thị Hương nhận định, cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.
“Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra”, bà Hương nhấn mạnh.