Đó là chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp BĐS khu vực phía Nam. Vị này tỏ ra lo lắng và “ngậm ngùi” cho biết: Chưa bao giờ thấy tình hình khó khăn đến vậy. Dòng tiền cạn trong bối cảnh doanh nghiệp không bán được hàng, lãi suất tăng cao khiến mọi chi phí phải tiết giảm một cách tối đa. Cạn kiệt nguồn lực, doanh nghiệp “bĩ cực” quá mới cắt giảm lương của nhân viên, cắt nhân sự để cân đối dòng tiền.
Được biết, doanh nghiệp BĐS này có hơn 400 nhân sự, ban lãnh đạo mới họp để đưa ra quyết sách, cắt giảm nhân sự, giảm lương, giảm các chi phí liên quan như xăng xe, tiền trợ cấp của nhân viên. Mức giảm tuỳ vào cấp bậc, chức vụ dao động từ 20-30%, tương ứng giữa lương và nhân sự.
“Viễn cảnh thực sự khó khăn. Sau khoảng thời gian Covid-19, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi thì chính sách tín dụng, trái phiếu…đã giáng thêm đòn đau. Thời điểm này, doanh nghiệp còn nhiều cái khó hơn nhưng không muốn nói nhiều về điều đó”, vị này ngậm ngùi cho biết.
Doanh nghiệp địa ốc nhưng "mớ tơ vò", ngậm ngùi cắt nhân sự, giảm lương nhân viên. Ảnh minh hoạ
Từng là doanh nghiệp địa ốc quy mô lớn tại thị trường phía Nam, phúc lợi đãi ngộ nhân viên rất tốt. Thế nhưng, doanh nghiệp (giấu tên) cũng phải “bấm bụng” cắt giảm lương của nhân viên, bao gồm cả các khoản trợ cấp như xăng xe, cơm trưa, hỗ trợ nhà ở…Mức lương điều chỉnh giảm toàn bộ công ty của doanh nghiệp này là khoảng 20- 25% (tuỳ cấp bậc, chức vụ). Mặc dù doanh nghiệp không sa thải nhân sự, nhưng mức lương nhân viên bị điều chỉnh rõ nét. Những nhân sự có mức lương từ 30-40 triệu đồng/tháng sẽ giảm xuống, riêng mức lương trên dưới 15 triệu đồng giữ nguyên.
Tình cảnh cũng diễn ra tương tự tại một doanh nghiệp BĐS quy mô vừa tại Tp.HCM khi ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã họp và quyết định điều chỉnh nhân sự và mức lương. Như vậy, doanh nghiệp cắt giảm 15% nhân sự, giảm lương từ 20-50% tuỳ cấp bậc, chức vụ, đồng thời nhân viên đi làm luân phiên nhau. Tuần làm tuần nghỉ để cắt giảm chi phí tối đa.
Được biết, văn hoá coi trọng con người của doanh nghiệp này luôn được đặt lên hàng đầu từ trước đến nay; chưa bao giờ trễ lương hay nợ lương nhân viên. Thế nhưng, “cực chẳng đã”, doanh nghiệp đành “bấm bụng” cắt nhân sự, cắt các chi phí như teambuilding, tất niên, quà tết….để cố gồng gánh bộ máy đi qua thời điểm khó khăn này.
Chưa kể, lúc này, không bán được hàng nghĩa là nhân viên không có việc làm. Dòng tiền cạn, tiếp cận vốn vay khó hoặc có vay cũng rất nặng lãi khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, đành cho nhân viên đi làm luân phiên để tối đa chi phí phát sinh trong vận hành bộ máy. Điều này càng cho thấy, doanh nghiệp địa ốc thực sự đang gặp khó, thậm chí “kiệt sức” để trụ được với thị trường.
Một nhân sự có kinh nghiệm 8 năm đi làm cho doanh nghiệp cũng đang “nơm nớp lo sợ” vì có thể bị nghỉ việc. Nhân sự này bày tỏ, chưa bao giờ thấy tình hình công ty khó khăn đến vậy, thậm chí khó hơn cả thời kì 2 năm Covid-19 hoành hoành.
“Việc cắt nhân sự, giảm lương có lẽ chỉ là phương án “đối phó” tạm thời của doanh nghiệp lúc này. Sợ nhất là công ty không thể trụ nỗi, bao nhiêu con người nhân lực phải nghỉ việc…”, chị này cho hay.
Liên tục họp ban điều hành về tình hình khủng hoảng chung của thị trường và phương án công ty đối phó, một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại Q.Phú Nhuận, Tp.HCM vừa ra quyết định cắt giảm 50% nhân sự, giảm 40% thu nhập của toàn bộ nhân viên. Bên cạnh đó, các khoản thưởng Tết năm nay sẽ phải tính toán hết lại.
“Khó khăn đang bủa vây, dòng tiền không có đã khiến doanh nghiệp kiệt kệ tài chính. Tôi chỉ biết nói là rất căng”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đau đầu, gồng gánh chi phí, kiệt kệ dòng tiền. Ảnh minh hoạ.
Dù không chia sẻ rõ tình hình doanh nghiệp như thế nào, nhưng CEO của một doanh nghiệp BĐS chỉ dùng một từ “đau lắm!” để thấy được tình trạng doanh nghiệp đang đối diện. Thực tế, để cắt giảm nhân sự, cắt lương là việc làm không doanh nghiệp địa ốc nào mong muốn. Đó cũng là quyết định không hề dễ dàng với mỗi doanh nghiệp. Rõ ràng, không doanh nghiệp nào muốn “kêu khó” nếu như không khó khăn thực sự.
“Doanh nghiệp hiểu, ai cũng có cuộc sống, có gia đình người thân phải để lo lắng, nhất là thời điểm Tết cận kề. Thế nhưng, cái khó bó cái khôn. Doanh nghiệp kiệt quệ để gồng gánh thì cần tính đến các phương án để đối phó và cứu mình”, CEO một doanh nghiệp ngậm ngùi chia sẻ.
Câu chuyện về thất nghiệp, thắt chặt chi tiêu đã được nhắc nhiều ở giai đoạn này. Với thị trường BĐS, hàng loạt doanh nghiệp phải điều chỉnh toàn bộ kế hoạch sắp tới, hệ luỵ là rất lớn nếu như không có hành động quyết liệt và kịp thời. “Viễn cảnh doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực là có thật trong tình huống lãi suất đang tăng rất cao, nguồn vay hạn chế và đơn hàng bị cắt giảm mạnh do tình hình kinh tế khó khăn trong và ngoài nước. Thay vì tạo môi trường thuận lợi, các quyết sách mang lại động lực và điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục và phát triển thì tình hình lại càng căng thẳng hơn, khó chồng khó”, đại diện một doanh nghiệp địa ốc bày tỏ quan điểm.
Quả thực, khó khăn vì dịch Covid-19, điểm nghẽn pháp lý chưa qua hẳn thì khó khăn về nguồn vốn lại “bủa vây” doanh nghiệp BĐS. Hiện gần hết năm, có số ít dự án vay được vốn từ ngân hàng còn room tín dụng nhưng thực tế trên thị trường đang có những chủ đầu tư không tiếp cận được vốn. Dự án đang chạy nhưng không được “bơm vốn” khiến doanh nghiệp lao đao, không bán được hàng. Nguy cơ doanh nghiệp “chết trên đống tài sản” đã có dấu hiệu hình thành lúc này.
Trong văn bản cuộc họp sáng 8/11, Bộ xây dựng cũng đề nghị các bộ, ngành địa phương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý.
Cùng với đó, kiểm soát tốt hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo ổn định, an toàn hệ thống, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá... song song cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông dòng vốn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản triển khai thực hiện, hoàn thành dự án dở dang, tạo nguồn cung và đẩy mạnh phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ xây dựng đề nghị các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản để hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê... của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội...