Đó là chia sẻ của anh Q, là nhà đầu tư trẻ nhưng có kinh nghiệm gần 10 năm trên thị trường BĐS. Vừa làm môi giới, vừa là nhà đầu tư lâu năm, hiện tài sản BĐS của nhà đầu tư này nằm ở nhiều khu vực từ Tp.HCM đến các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Hiện tại, anh Q đang đi săn BĐS là “hàng ngộp”, chủ yếu ở phân khúc đất nền. “Tuỳ việc ép giá chủ đất được hay không, mức hạ giá dao động từ 10 đến 30%, thậm chí 50%. Ép giá rồi miếng đất cảm thấy giá tốt mình mới mua”, nhà đầu tư này chia sẻ.
Được biết, nhà đầu tư này đang săn hàng ngộp tại khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai), Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), Bà Rịa – Vũng Tàu. Riêng khu vực Nhơn Trạch, anh Q cùng nhóm bạn ưu tiên mua BĐS tại khu trung tâm và gần khu vực phà Cát Lái như xã Phú Đông, Đại Phước, Phước Khánh, Vĩnh Thanh…; còn tại Bình Thuận, nhà đầu tư này đang săn loạt nền đất tại các điểm gần tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Theo anh Q, lúc này có nhiều lựa chọn và kiếm được BĐS giá tốt, tuy nhiên, hiện tượng cắt lỗ hay bán tháo BĐS chưa diễn ra toàn diện trên thị trường. Đa số các nền đất bán ra thời điểm này là của những nhà đầu tư đang rất kẹt dòng tiền. Riêng với các nhà đầu tư không vay vẫn giữ hàng, không hạ giá. Thậm chí, những người có vay ngân hàng nhưng không quá kẹt tài chính, họ vẫn không chịu bán ra.
“Có những nền đất mình rất ưng, trả giá xuống 10%, chồng tiền mặt ngay nhưng chủ đất không bán, dù họ cũng đang vay ngân hàng. Mới thấy, tìm được hàng ngon, giá ngộp “thật” không dễ dàng. Tâm lý của đa số nhà đầu tư lúc này là vẫn tin thị trường sẽ phục hồi sớm, nên cố gắng cầm cự, giữ tài sản”, anh Q cho hay.
Ảnh minh hoạ.
Chia sẻ về dự định “ôm hàng” của mình, nhà đầu tư này cho biết, thị trường BĐS lúc này trầm lắng gần giống khoảng thời gian 2010-2014. Còn nhớ, lúc đó đi mua đất mục đích chính là để giành, mua cho có đất trước đã chứ không hề nghĩ đến chuyện sinh lời này kia. Thời điểm đó, giá đất xuống giá, ai có tiền mặt thường chỉ nghĩ là mua đất để đó, hoặc cất nhà ở sau này. Thế nhưng, sau năm 2014, thị trường phục hồi thì những người mua được đất giá tốt lại “phất lên” nhanh chóng. Một thế hệ đại gia cũng xuất hiện từ đó, giá BĐS liên tục tăng cao từ giai đoạn 2015 đến 2018.
“Gần 10 năm đầu tư BĐS, tôi nhận thấy ở bất kỳ thời điểm nào thì nhu cầu về BĐS luôn luôn có. Hiện nay, giao dịch ít đi do nhu cầu ở thực và lượng đầu cơ giảm mạnh khi bị ảnh hưởng bởi chính sách tín dụng. Còn thực tế, giá BĐS sẽ tiếp tục đà tăng trong tương lai”, anh Q nhấn mạnh.
Hiện, nhiều nhà đầu tư vì không chịu nỗi áp lực vốn vay ngân hàng nên “ngậm ngùi” bán lỗ, bán tháo để thu dòng tiền. Đây chính là thời điểm tạo cơ hội cho những người có dòng tiền nhàn rỗi. Họ có thể mua được BĐS giá rẻ hơn so với mặt bằng chung thị trường từ 10-50% (tuỳ khu vực, sản phẩm).
Tuy vậy, theo anh Q, mức độ mua được hàng tốt còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi nhà đầu tư. Ngoài việc hiểu biết địa bàn thì mặt bằng giá từng khu vực nhà đầu tư phải nắm chắc. Sẽ rất khác nếu nhà đầu tư mua được BĐS ngộp thực sự và ngộp ảo. Nhiều sản phẩm rao bán cắt lỗ nhưng thực chất là giảm kì vọng lợi nhuận, với mức giảm không nhiều so với mặt bằng chung.
“Dĩ nhiên, sản phẩm tốt, bao gồm cả mức giá và vị trí khi sẽ được ưu tiên lựa chọn thời điểm này. Cũng có trường hợp, chủ đất không hạ giá nhiều, chỉ dao động 5-10%, nhưng BĐS có vị trí đẹp thì nhà đầu tư nên mua vào. Bởi, đây sẽ là sản phẩm có thanh khoản tốt, chênh tốt khi thị trường phục hồi”, anh Q chia sẻ.