Không ít người trẻ phải vật lộn giữa việc kiếm tiền và giá trị đạo đức khi tham gia vào các lĩnh vực bị cho là ảnh hưởng xấu đến xã hội. Ảnh: Lily Lambie-Kiernan.
Trước câu hỏi điều gì làm bạn bất mãn và kiệt sức trong công việc, mỗi người sẽ có câu trả lời rất khác nhau. Đó có thể là loạt tin nhắn chờ công việc, bữa trưa chán ngắt hay những lời phàn nàn từ cấp trên, bị đồng nghiệp cô lập...
Song đối với những người đang làm việc trong lĩnh vực gây tranh cãi, được cho là phi đạo đức - như ngành nhiên liệu hóa thạch hay vũ khí hạt nhân - đó là câu hỏi khó trả lời, thậm chí người nghe đôi khi ước rằng đừng hỏi ngay từ đầu.
Xấu hổ
Ben đã làm việc trong lĩnh vực dầu khí hơn 10 năm và đang cố gắng thoát khỏi nó. "Tôi thực sự xấu hổ về công việc mình làm, thường không đi vào mô tả chi tiết về nó. Tôi từng nói với cháu gái rằng mình đang làm việc trong một nhà máy sản xuất chocolate, vì tôi luôn về nhà trong tình trạng dầu bám đầy người", anh kể với VICE.
Sau một thời gian gián đoạn ngắn ngủi để chuyển sang một lĩnh vực khác, cuối cùng Ben trở lại ngành dầu khí trong vai trò nhân viên bán hàng. Giống tất cả nhân vật tham gia cuộc phỏng vấn, anh muốn giấu danh tính thật.
"Tôi có nhiều kinh nghiệm làm việc, nhưng nó chẳng giúp ích gì ngoài ngành dầu khí", Ben than thở.
Trong khoảng thời gian tạm nghỉ, anh đã cảm thấy không thể chịu đựng nổi những gì mình đang làm. "Tôi rất chán nản và nghĩ rằng: 'Đây là thứ mình đã dành nhiều năm cống hiến. Nó có vẻ không đáng lắm'".
Những người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z được cho có xu hướng tham gia tích cực vào việc đấu tranh cho các vấn đề khí hậu, công bằng xã hội.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ phải gác lại quan điểm đạo đức của họ để kiếm tiền, ngay cả mức lương trung bình - ít nhất là trong lĩnh vực của Ben - rơi vào khoảng 45.500 bảng Anh, thấp hơn so với ngành quảng cáo, tài chính và nghiên cứu.
Nhiều người trẻ cảm thấy xấu hổ khi làm việc trong ngành nghề bị cho ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Ảnh: Pexels.
George (27 tuổi) làm việc trong lĩnh vực kinh doanh thuốc lá - ngành bị coi là "kho tội lỗi" khi gây ra khoảng 8 triệu cái chết mỗi năm, là nguyên nhân của nạn phá rừng và ô nhiễm rác thải toàn cầu.
Sau khi tốt nghiệp, George gia nhập một trong những công ty thuốc lá lớn nhất thế giới và "hoàn toàn chớp được cơ hội" với mức lương khởi điểm cao trong vai trò bán hàng. Dù vậy, trong thâm tâm, anh biết đây không phải là "công việc mãi mãi" của mình.
Anh chàng 27 tuổi nói rằng vấn đề đạo đức chưa bao giờ xuất hiện, nhưng anh thường xuyên bị bạn bè trêu chọc khi trở thành người bán thuốc lá.
Sau khi George lên vị trí quản lý, những câu hỏi về công việc của anh trở nên khó trả lời hơn. "Tôi từng hẹn hò với nhiều người. Họ hỏi rằng liệu tôi có đạo đức không khi làm nghề này. Vì thế, sau này tôi không thực sự nói về công việc của mình nữa".
Giống như Ben, George đang cố gắng nghỉ việc, nhưng anh có nhiều mối lo về năng lực nghề nghiệp của mình.
"Tôi biết mình sẽ bị hạn chế trong một số lĩnh vực, như chăm sóc sức khỏe, nhưng thể thao và công nghệ thì sao? Khi tôi làm việc trong ngành thuốc lá, mỗi lần nghĩ tới chuyện nhảy việc, nỗi sợ phán xét từ người chủ mới luôn khiến tôi chùn bước", George nói.
Không thể thay đổi
Trong khi Ben và George vẫn có thể nhận được sự cảm thông, những người làm trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân như Katie - người quản lý chương trình thiết kế và bảo trì tàu ngầm hạt nhân - hứng rất nhiều chỉ trích.
Katie lớn lên ở giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh. Từ khi còn nhỏ, cô đã rất tò mò với cách thức hoạt động của các loại máy móc, vũ khí.
"Tôi không chế tạo các đầu đạn thật sự, tôi chỉ làm việc trên các tàu ngầm mang chúng, tôi không thiết kế thứ giết người", cô nói. Trong đầu Katie luôn nghĩ tất cả đều do chính phủ tài trợ, và không có vấn đề gì khi cô nhận tiền để làm công việc này.
Những người làm trong ngành vũ khí hạt nhân nhận nhiều chỉ trích.
Nhưng giờ đây, cô buộc phải suy nghĩ sâu sắc hơn về những gì mình đang làm.
"Trước những tin tức về chiến tranh gần đây, tôi thấy như mình đang góp phần vào quá trình ấy theo một cách nào đó. Khi một điều khủng khiếp xảy ra, nơi tôi làm việc có thể bị đánh bom. Nếu tôi ngồi ở văn phòng vào ngày họ kích hoạt bom hạt nhân, tôi sẽ bị nướng chín".
Các ngành nghề mà Ben, George hay Katie đang làm việc đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng, cùng sự giám sát gia tăng trong những năm qua.
Có vô số thách thức pháp lý mà các công ty dầu khí phải đối mặt đối với hoạt động tiếp thị "tẩy rửa xanh". Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã buộc các công ty thuốc lá giảm mức nicotin trong sản phẩm của họ. Nghị viện châu Âu đang bị các nhà hoạt động phản đối sau khi phê duyệt kế hoạch phân loại năng lượng hạt nhân là "xanh".
Không dễ dàng để tạo ra thay đổi khi đứng trước các ông lớn nắm giữ quyền lực, có ảnh hưởng và sự kiểm soát kinh tế to lớn. Ngay cả Ben, người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực dầu khí, cũng không thể nghĩ ra bất cứ điều gì mà anh, hoặc thậm chí 10.000 người như anh có thể làm để thay đổi tình hình trong lúc này.
Có nhiều lý do khác khiến những người trong cuộc cảm thấy bi quan sâu sắc về ngành công nghiệp của họ. Katie buồn bã cho rằng ngành hạt nhân đã tạo ra rất nhiều việc làm, thật khủng khiếp nếu loại bỏ họ.
Trong mắt cô, tất cả mắt xích - từ nhà thiết kế đầu đạn, đến người lái xe tải vận chuyển vũ khí, đến người đóng thuế tài trợ cho các dự án này - đều đóng góp vào việc thúc đẩy ngành công nghiệp hạt nhân.