Trong những năm gần đây, xuất nhập khẩu nói chung, xuất khẩu nói riêng đang là “điểm sáng” của kinh tế Bình Dương. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, Bình Dương luôn nằm trong “Top 5” tỉnh, thành cả nước có tỷ lệ xuất siêu đạt từ 6 tỷ USD trở lên.
Là một trong những địa phương phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 (cùng với TP.HCM, Đồng Nai, Long An…), bước sang năm 2022, kinh tế Bình Dương đã từng bước hồi phục và ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định trong những tháng gần đây, dù còn chưa đạt được kỳ vọng.
Theo số liệu báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, trong tháng 9 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,91% so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 1,48%). Mức tăng trưởng này được đánh giá là khá ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng dịch bệnh và chiến tranh.
Trong bối cảnh đó các nhà bán lẻ cam kết cung ứng ra thị trường nhiều mặt hàng chất lượng với giá ổn định, tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng bình ổn thị trường…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2022 ước đạt 200.928,2 tỷ đồng, tăng 19,9% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 139.493,1 tỷ đồng, chiếm 69,4% và tăng 17,4% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ước đạt 41.970 tỷ đồng, tăng 19,8%; doanh thu hoạt động lưu trú, lữ hành, ăn uống đạt 18.465 tỷ đồng, tăng 42% so cùng kỳ.
Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27.059,2 triệu USD, tăng 11,9% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5.145,8 triệu USD, tăng 11,5%; khu vực kinh tế FDI đạt 21.913,5 triệu USD, tăng 12%.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Dương nhận định, sở dĩ trong 9 tháng năm 2022 hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều đạt mức tăng trưởng khá là do doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu sang những thị trường đối tác của Việt Nam đã ký kết, thực thi các FTAs và EVFTA tạo nên nhiều tác động tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2022 đạt 19.209,8 triệu USD, giảm 1,6% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 2.758,2 triệu USD, tăng 0,6%; khu vực FDI ước đạt 16.451,6 triệu USD, giảm 5,3%.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong 9 tháng là máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu cho sản xuất. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 42,2%; kế đến là Nhật Bản 17,4%, Đài Loan 8,8%...
Như vậy, sau 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7.849,5 triệu USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất siêu 2.387,5 triệu USD, khu vực FDI xuất siêu 5.462 triệu USD.
Đây là năm thứ tư liên tiếp Bình Dương có tỷ lệ xuất siêu trên 6 tỷ USD. Nguồn: Cục Thống kê Bình Dương.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ lệ cao nhất của Bình Dương với kim ngạch xuất khẩu đạt 9.3389,6 triệu USD, chiếm 34,7% kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,3% so kỳ.
Tiếp đến là thị trường EU ước đạt 3.304,1 triệu USD, tương ứng chiếm 12,2% và tăng 11,6%. Thị trường Nhật Bản đứng thứ ba, đạt 2.399,6 triệu USD, chiếm 8,9% và tăng 10%; kế đến là Hàn Quốc (đạt 2.605,3 triệu USD, chiếm 9,6%), Đài Loan (đạt 1.837,1 triệu USD, chiếm 6,8%), Hồng Kông (đạt 1.866,9 triệu USD, chiếm 6,9%)…
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm: Gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 4.779 triệu USD, tăng 0,6% và chiếm tỷ trọng 17,7% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (Hoa Kỳ chiếm 64,6%); hàng dệt may đạt 2.368 triệu USD, tăng 27,3% và chiếm tỷ trọng 8,7% (Hàn Quốc chiếm 33,4%); giày da đạt 1.870 triệu USD, tăng 41% và chiếm tỷ trọng 7% (Hoa Kỳ chiếm 25,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1.025,6 triệu USD, tăng 1,5% và chiếm tỷ trọng 3,8% (Hoa Kỳ chiếm 46,8%)…
Mặc dù kinh tế tiếp tục khởi sắc và đạt được nhiều kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhưng theo đại diện UBND tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Tầm Dương, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí logistics cao.
Cùng với đó, xung đột vũ trang Nga – Ukraine đã và đang tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, dẫn đến: Đơn hàng bị cắt giảm, hoãn hợp đồng, công nhân nghỉ không lương,…
Bình Dương đang là điểm đến thu hút dòng vốn FDI.
Để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp ba tháng cuối năm có hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp cân đối, bình ổn kịp thời (điện, xăng dầu…); giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động. Chính quyền tỉnh Bình Dương cũng đề nghị đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới như Ấn Độ, Nam Mỹ…
Thu hút đầu tư trong nước, tính đến ngày 15/9, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới là 4.815 doanh nghiệp (tăng 27,1%), với tổng vốn đăng ký 30.673,5 tỷ đồng (tăng 8,4%). Số doanh nghiệp điều chỉnh vốn là 1.231 doanh nghiệp (tăng 49,9%), với tổng vốn tăng là 37.944,6 tỷ đồng (tăng 2,4%).
Thu hút đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng 2022, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, điều chỉnh vốn là 202 doanh nghiệp với tổng số vốn 2.618,8 triệu USD và tăng 73,7% so cùng kỳ). Bao gồm, số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới là 54, tăng 22,7% với tổng số vốn đăng ký 1.866,8 triệu USD, tăng gấp 3,9 lần so cùng kỳ; và 14 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký là 17,6 triệu USD.