Đóng góp quan trọng cho chiều hướng khởi sắc trở lại của hoạt động xuất khẩu là các nhóm hàng chủ lực như điện thoại, máy vi tính, dệt may…
Theo đó, trong tháng 6 có 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ.
Đáng chú ý, 5/7 nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng dương so với tháng trước. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 4 tỷ USD, tăng 37,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 13,2%; dệt may đạt 3 tỷ USD, tăng 4,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,17 tỷ USD, tăng 0,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 3,7%.
2 nhóm hàng chủ lực còn lại trong trạng thái sụt giảm là giày dép với kim ngạch đạt 1,76 tỷ USD, giảm 5,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,2 tỷ USD, giảm 1,6%.
Như vậy, xuất khẩu hàng hóa đã bắt đầu có chiều hướng tăng trở lại trong tháng 6.
Trong xu hướng suy giảm của xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm, một số mặt hàng vẫn có sự tăng trưởng. Cụ thể, sau 6 tháng, xuất khẩu rau quả vẫn ghi dấu ấn với 2,8 tỷ USD, bằng 81,8% của cả năm 2022. Trong đó, 5 loại trái cây chiếm giá trị cao nhất (84%), gồm: sầu riêng (37%), thanh long (19%), chuối (12%), mít (9%), xoài (7%); còn lại là các loại quả như: dưa hấu, dừa, ớt, chanh leo…
Chỉ tính riêng trong tháng 5, sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc mang về giá trị đến 319,8 triệu USD, tăng hơn 1.082% lần so với tháng 4 và tăng trên 57.061% so với cùng kỳ năm trước (tức tăng hơn 10 lần và hơn 57 lần); xuất khẩu thanh long đạt 46,5 triệu USD, tăng 82,5%. Điều này cũng cho thấy tính chất mùa vụ của rau quả nên giá trị xuất khẩu biến động lớn trong các tháng.
Đối với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ dù còn khó khăn nhưng đang có những dấu hiệu phục hồi khi mức độ suy giảm khi xuất khẩu sang một số thị trường chính đã bắt đầu chững lại. Nhìn chung, nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu gia tăng mỗi năm từ 7-8%, tức là ta còn nhiều dư địa, cơ hội phát triển trong tương lai và khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời, do khó khăn chung của thị trường.
Dù đã có tăng trưởng trở lại nhưng tính chung 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Hết tháng 6 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 164,68 tỷ USD, giảm 12%. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, hỗ trợ sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu; kiến nghị thêm chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn.