Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2013 (kỳ hạn tham chiếu) trên thị trường Singapore hôm thứ Hai (13/11) đạt 129,24 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 16 tháng 3, kéo dài chuỗi tăng liên tục kể từ 3/8 – khi giá ở mức 103,21 USD. Như vậy, giá đã tăng 25% chỉ trong vòng hơn 3 tháng.
Thị trường quặng sắt nội địa chính của Trung Quốc thậm chí còn sôi động hơn, với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2024 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên phiên thứ Tư (14/11) đạt 965,5 nhân dân tệ (132,39 USD)/tấn, mức cao nhất tính theo đồng nội tệ kể từ tháng 5/2021 và cao hơn 64% so với mức thấp nhất của năm nay là 587,5 nhân dân tệ chạm tới hôm 25/5.
Những người tham gia thị trường đều phấn khích bởi những thông tin liên quan đến lĩnh vực bất động sản ở nước tiêu thụ hàng đầu thế giới - Trung Quốc, mặc dù nhu cầu thép vẫn yếu.
Đà tăng giá quặng sắt được thúc đẩy bởi sự lạc quan mới rằng lĩnh vực bất động sản rộng lớn của Trung Quốc đang hồi sinh trở lại sau những tháng u ám gần đây.
Atilla Widnell, giám đốc điều hành công ty Navigate cho biết: “Giá quặng sắt kỳ hạn đang neo ở mức cao kỷ lục, được hỗ trợ bởi kỳ vọng về sự phục hồi trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất nhờ các biện pháp kích thích, và bởi xuất khẩu quặng từ Úc và Brazil tuần qua sụt giảm rõ rệt”.
Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn Trung Quốc, Ni Hong, cho biết, Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các cam kết chính sách về thị trường bất động sản để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân và thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của lĩnh vực này.
Lượng tiền cho vay mới của ngân hàng ở Trung Quốc trong tháng 10 giảm ít hơn dự kiến so với tháng liền trước, ngay cả sau khi các nhà hoạch định chính sách tăng cường các biện pháp, bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng để đưa nền kinh tế đang lung lay trở lại vững chắc hơn.
Các nhà phân tích tại Galaxy Futures cho biết: “Nhu cầu thép ở các khu vực phía Bắc suy yếu theo mùa trong bối cảnh nhiệt độ giảm mạnh ở nhiều khu vực ở Trung Quốc khi bước vào mùa đông”.
Các nhà phân tích cảnh báo về khả năng nhu cầu thép giảm sau thông báo của Trung Quốc nhằm hạn chế khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai quặng sắt.
Trong khi đó, các nhà giao dịch đang chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế cũng như sản lượng của một số mặt hàng quan trọng vào thứ Tư để có hướng đi tiếp theo.
Chất xúc tác quan trọng gần đây nhất là thông tin Reuters đưa ra ngày 8/11 tiết lộ Tập đoàn bảo hiểm Ping An sẽ nắm cổ phần kiểm soát trong Country Garden - nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, hiện đang phải vật lộn với các vấn đề thanh khoản tương tự như đã từng xảy ra với một số đối thủ cạnh tranh của họ. Nhà phân tích Pei Hao của công ty môi giới FIS cho biết: “Dự kiến lĩnh vực bất động sản trong quý 4 sẽ không bị 'hạ cánh cứng' sau một số tín hiệu tích cực.
Ping An đã phủ nhận thông tin của Reuters và cho biết Chính phủ chưa đề cập đến vấn đề này.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 hoạt động kinh tế Trung Quốc, mang lại vai trò to lớn cho cả tăng trưởng và tâm lý, và Bắc Kinh đã thực hiện một số nỗ lực để khôi phục niềm tin vào ngành này.
Những biện pháp này bao gồm bảo lãnh tài chính, hạ thấp yêu cầu dự trữ tiền mặt đối với các ngân hàng và các bước khác nhau nhằm giảm bớt yêu cầu vay vốn đối với người mua nhà.
Trong khi Bắc Kinh đã thực hiện nhiều động thái để củng cố lĩnh vực bất động sản, điều vẫn còn phải xem xét là liệu những động thái đó có chuyển thành một sự thúc đẩy thực sự trong hoạt động hay không, chứ không chỉ là sự gia tăng tâm lý hiện tại.
Tuy nhiên, còn có một số lý do cơ bản hỗ trợ quặng sắt, trong đó chủ yếu là tồn kho ở các cảng hiện ở mức thấp.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn SteelHome, tồn trữ tại các cảng của Trung Quốc ở mức 108,8 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 10/11. Con số này cao hơn 3,9 triệu tấn so với 104,9 triệu tấn của tuần trước đó, nhưng 104,9 triệu tấn là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016.
Đó là một sự bất thường, khi hàng tồn kho không theo mô hình thông thường là tăng theo mùa khi nhu cầu thép giảm trong mùa đông phía bắc Trung Quốc, và sau đó là cạn kiệt khi sản lượng thép tăng để đáp ứng nhu cầu tăng khi thời tiết bớt lạnh.
Theo dữ liệu của SteelHome, lượng tồn trữ trong cùng thời điểm của năm 2022 là 136 triệu tấn và cùng thời điểm của năm 2021 là 147,6 triệu tấn.
Điều này cho thấy hàng tồn kho có khả năng tăng đáng kể trong những tuần tới, đặc biệt nếu các nhà máy thép tin rằng nhu cầu sẽ tăng trong quý đầu tiên nhờ lĩnh vực bất động sản phục hồi.
Trung Quốc, quốc gia mua khoảng 70% quặng sắt vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu, đang trên đà đạt được kết quả vững chắc trong hoạt động nhập khẩu trong tháng 11. Các nhà phân tích hàng hóa của Kpler ước tính lượng quặng nhập khẩu trong tháng 11 là 102,2 triệu tấn, cao hơn con số hải quan chính thức là 99,39 triệu tấn trong tháng 10.
Theo dữ liệu hải quan, trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu 975,84 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Yếu tố có thể gây rủi ro giảm giá quặng sắt là liệu Bắc Kinh có buộc các nhà máy thép hạn chế sản lượng trong những tháng cuối năm để đáp ứng mục tiêu không chính thức là sản lượng năm 2023 không vượt quá 1,01 tỷ tấn đạt được vào năm 2022 hay không?.
Sản lượng thép Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm là 795,07 triệu tấn, tương đương “hạn ngạch” dành cho quý IV/2023 chỉ là 215 triệu tấn, tương đương khoảng 71,6 triệu tấn cho mỗi tháng trong 3 tháng cuối năm.
Có vẻ như sản lượng thép sẽ không giảm nhiều như vậy trong quý 4, vì trong 9 tháng đầu năm, sản lượng trung bình đạt 88,34 triệu tấn/tháng. Như vậy, sản lượng năm nay có thể vượt quá 1,01 tỷ tấn vào năm 2022.
Nhưng có lẽ các nhà chức trách rất vui khi điều này xảy ra, thứ nhất là vì nó sẽ giúp đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, và thứ hai, một lượng lớn thép sản xuất thêm đã được xuất khẩu, với lượng sản phẩm xuất khẩu tăng 34,8% trong 9 tháng đầu năm lên 74,73 triệu tấn.
Tham khảo: Reuters