Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu với các tổ chức bảo dưỡng, người lái tàu bay, tiếp viên hàng không, nhân viên bảo dưỡng tàu bay cần tuân thủ nghiêm các quy trình khai thác tiêu chuẩn được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.
"Chú trọng công tác chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết cho chuyến bay; phối hợp kiểm tra chéo các thông tin quan trọng trong quá trình bay; tuân thủ quy định về khai thác tàu bay trong điều kiện thời tiết bất lợi (gió đứt, gió giật, gió cạnh, gió đuôi, mưa giông lớn, tầm nhìn giảm đột ngột ...) tại các cảng hàng không, sân bay", Cục Hàng không đề nghị.
Cùng với đó, các đơn vị cần rà soát, bố trí hợp lý nguồn lực tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa thời gian dừng tàu do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay cũng như giảm tối đa chậm, hủy chuyến...
Với các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm và bố trí các chuyến bay khai thác buổi đêm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên cơ sở phù hợp với hạ tầng hàng không và công tác bảo đảm an ninh, an toàn.
Đồng thời, có biện pháp, giải pháp kiểm soát, giảm thiểu việc chậm, huỷ chuyến bay và tiếp tục nâng cao ý thức, nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhân viên hàng không tuân thủ nghiêm công tác bảo trì, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị, các quy định về dừng đỗ phương tiện, đi đúng làn đường công vụ và đảm bảo tuân thủ đúng tốc độ của phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.
Tuân thủ tuyệt đối và tăng cường công tác kiểm soát, các quy định về an ninh, an toàn hàng không trong quá trình cung cấp dịch vụ tạo cảng hàng không, sân bay.
Đồng thời, xây dựng phương án phục vụ, bố trí nguồn nhân lực đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện nhằm duy trì chất lượng dịch vụ và an ninh trật tự tại cảng hàng không, phục vụ tốt, an toàn các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân...
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải tại các thành phố, địa phương và cơ quan chức năng có thẩm quyền để tổ chức phân luồng giao thông, giảm thiểu ùn tắc tại các cảng hàng không, sân bay, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không khác xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp cụ thể đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ trong dịp Tết Dương lịch năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão trên cơ sở nguồn lực của đơn vị và kế hoạch khai thác tăng chuyến của các hãng hàng không...
Cục yêu cầu các Cảng vụ hàng không phổ biến, quán triệt các nội dung Chỉ thị này đến các cơ quan, đơn vị hoạt động trên địa bàn các cảng hàng không; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động của các đơn vị hoạt động tại cảng hàng không, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm trên các chuyến bay, tại các cảng hàng không;
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch Covid-19; kiểm tra, giám sát các chuyến bay chậm chuyến, huỷ chuyến; việc thực hiện nghĩa vụ của các hãng hàng không Việt Nam đối với hành khách trong trường hợp chậm, huỷ chuyến.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các phòng chuyên môn tiếp tục thực hiện kế hoạch giám sát liên tục theo kế hoạch kiểm tra năm MARI (Minimum Annual Required Inspection) việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn khai thác tàu bay đối với các đơn vị, người khác thác tàu bay, kể cả các hãng hàng không nước ngoài khai thác đi/đến Việt Nam, các tổ chức bảo dưỡng; đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra an toàn tại các sân bay lớn có mật độ bay cao như: Nội Bài, Vinh, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cát Bi, Phú Bài.
Dịp Tết Quý Mão tới đây, các hãng hàng không Việt Nam dồn dập tăng chuyến, với mức tăng hơn 8.000 chuyến bay, tương đương 32% về số chuyến và tăng gần 1,7 triệu ghế, tổng cộng cung ứng hơn 6,7 triệu ghế trên thị trường.