Sau thông báo chỉ đạo giá vàng hạ nhiệt
Hồi cuối tháng 12/2023, “cơn sốt” vàng đã dẫn tới vàng SJC lập đỉnh khi có thời điểm giá lên 80,3 triệu đồng/lượng (giá mua vào) và hơn 77 triệu đồng/lượng (giá bán ra). Nhiều chuyên gia đưa ra dự báo giá vàng có thể lên tới 2.500-3.000 USD/ounce đồng nghĩa với việc giá vàng ở Việt Nam tăng lên 90-100 triệu đồng/lượng khiến nhiều người “lao vào” vòng xoáy này, rút tiền gửi ngân hàng đi mua vàng.
Thế nhưng chỉ sau công điện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính của Thủ yêu cầu không để vàng hóa nền kinh tế, đánh giá lại thị trường vàng thương hiệu SJC thì lập tức giá vàng có “biến động” mạnh, tụt xuống 77 triệu đồng/lượng bán ra và tiếp tục giảm sâu 74 triệu đồng/lượng bán ra.
Liên tiếp những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024 có thông tin về giá vàng sẽ giảm bởi sau đợt tăng sốc Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định sẽ sửa Nghị định 24 về độc quyền vàng trong tháng 1 và sẵn sàng tăng cung vàng SJC cũng như đánh giá lại vai trò của vàng miếng SJC... Hoặc mới đây tại Hội nghị Tổng kết ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới đến 20 triệu đồng là “không chấp nhận được”. Ông Tú khẳng định việc sửa Nghị định 24 (ban hành năm 2012) là thực sự cần thiết.
Ngày 4/1, NHNN ban hành Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung một quyết định hồi năm 2012 về việc tổ chức, quản lý sản xuất vàng miếng. Trong đó, có việc bổ sung một số thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng; bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc NHNN trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng.
Về vấn đề này, Lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối chia sẻ với báo chí cho biết, trong tháng 1/2024, NHNN sẽ có báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện Nghị định 24 và kiểm soát thị trường vàng trong thời gian qua. Theo đó, sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Nghị định 24 của Chính phủ có rất nhiều giải pháp là để giảm vàng trong dân. Qua đó tiền, nguồn lực trong dân sẽ đưa ra nền kinh tế để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giải pháp Nhà nước cho nhập vàng để sản xuất vàng miếng SJC thì sẽ càng tăng thêm tính độc quyền của thương hiệu này, như vậy tạo sự bất bình đẳng giữa các thương hiệu vàng khác.
Tăng cung vàng để rút ngắn khoảng cách
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích, nếu NHNN xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, các loại vàng miếng thương hiệu khác được cung ra thị trường khiến nguồn cung dồi dào, mức chênh với giá thế giới có thể về 1-2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua bán được kéo về mức 500.000-1 triệu đồng/lượng (thay vì 3 triệu đồng/lượng như hiện tại). Khi đó, giá vàng miếng SJC sẽ chỉ khoảng 64-65 triệu đồng/lượng.
Bên cạnh đó, nhu cầu vàng trong dân lớn không chỉ với vàng miếng SJC mà với cả vàng trang sức. NHNN nên bỏ kinh doanh có điều kiện với vàng trang sức, khi đó sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia thị trường một cách dễ dàng. Theo đó, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn với vàng.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, từ năm 2014 đến nay NHNN không sản xuất thêm vàng miếng SJC để cung cấp ra thị trường. Trong khi đó người dân có tâm lý tích trữ vàng khiến mặt hàng này càng khan hiếm, đẩy giá tăng cao và nới rộng chênh lệch với giá vàng thế giới.
Hơn nữa, do khan hiếm vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp đã dùng vàng SJC làm vàng trang sức đáp ứng nhu cầu của người dân nên sự chênh lệch ngày càng tăng. Như hồi trước năm 2020, vàng SJC giá tương đương với vàng trang sức và vàng thế giới, có thời điểm còn thấp hơn. Nhưng do khan hiếm đã đẩy giá vàng SJC với vàng thế giới và vàng trang sức ngày càng xa.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, NHNN nên xem xét phương án nhập khẩu và tái khởi động sản xuất vàng miếng nhằm tăng cung ra thị trường, giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng thương hiệu SJC với vàng thế giới. Có ý kiến cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối quốc gia. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế vấn đề này không thật sự đáng quan ngại.
Bởi theo dữ liệu của Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM (SJA), từ năm 1991-2012, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1.000 tấn vàng (trung bình mỗi năm khoảng 45 - 50 tấn). Nếu tiếp tục nhập khẩu với số lượng như vậy thì mỗi năm Việt Nam sẽ chi ra khoảng 3 tỷ USD, chỉ chiếm 3% dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023.
Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi giá vàng thế giới trong 28 năm qua (từ năm 1995 tới năm 2023) chỉ tăng khoảng 5,4 lần, từ 387 USD/ounce vào năm 1995 lên 2.078,4 USD/ounce năm 2023 thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng 75,5 lần, từ 1,32 tỷ USD (năm 1995) lên 100 tỷ USD (năm 2023). Như vậy, nếu nhập khẩu vàng có kiểm soát thì không ảnh hưởng quá nhiều đến dự trữ ngoại hối quốc gia.