Nội dung chính:
- Quý III, SAGS đạt doanh thu 395 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhờ biên lãi gộp cải thiện.
- Khoản phải thu của công ty tăng từ 300 tỷ đồng vào đầu năm lên 425 tỷ đồng tại đồng tại thời điểm kết thúc quý III, vượt doanh thu công ty.
CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS, HoSE: SGN) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu 395 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của công ty đạt 79 tỷ đồng, gấp 2,5 lần kết quả đạt được trong quý III/2022.
Theo giải trình của doanh nghiệp, lợi nhuận quý III tăng so với cùng kỳ nhờ sản lượng phục vụ các đường bay quốc tế phục hồi mạnh, công ty ký được thêm các hợp đồng phục vụ với một số khách hàng mới, tăng phí dịch vụ cho một số khách hàng hiện tại. Ngoài ra, trong quý III, công ty con của SAGS là SAGS-CXR (CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn – Cam Ranh) tiếp tục có lãi tốt so với cùng kỳ.
Báo cáo của Cục Hàng không cho thấy các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 44,1 triệu khách, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng hành khách quốc tế tăng mạnh tăng 300,2%, đạt 11,5 triệu khách.
Thị trường vận chuyển hàng không quốc tế đang tiếp tục duy trì đà phục hồi đối với phần lớn các thị trường truyền thống (ngoại trừ thị trường Trung Quốc và Nga) và sự góp mặt của một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan…
Hiện tại, có 64 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với trên 169 đường bay quốc tế kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi tới các điểm của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Huế.
Trong khi tăng sản lượng phục vụ bay giúp SAGS tăng trưởng doanh thu, mức lợi nhuận tăng bằng lần là nhờ tăng phí dịch vụ. Biên lợi nhuận gộp của SAGS đã tăng từ mức 23% trong quý III năm trước lên gần 33% trong quý III năm nay.
Khoản phí các hãng hàng không thu hộ cho các công ty dịch vụ hàng không, điển hình như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (công ty sở hữu 48,03% vốn SAGS) hiện ở mức cao, khiến giá vé máy bay tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Báo Tuổi Trẻ mới đây dẫn lời ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines, cho biết giá vé máy bay hiện tại thậm chí không đủ bù chi phí. Ngoài chi phí xăng dầu, giá vé bay phải cõng các biến phí khác như kỹ thuật, dịch vụ điều hành bay đi và đến, cất/hạ cánh máy bay, phí đậu máy bay, giá thuê quầy check-in, mặt bằng, kho bãi… tại các cảng hàng không sân bay. Các chi phí này chiếm khoảng 65 - 80% giá vé.
Các đại diện các hãng bay cũng cho biết trong giá vé máy bay có hai khoản thu mà các hãng hàng không phải thu hộ cho ACV - đơn vị đang khai thác, quản lý 22 sân bay. Các khoản thu hộ này chiếm tỷ trọng rất lớn trong vé bay.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của SAGS là khoản phải thu khách hàng (cho nợ) đạt 412 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý III, trong khi con số đầu năm là 300 tỷ đồng. Giá trị khoản phải thu khách hàng thậm chí vượt doanh thu của công ty trong quý III này.
Phần lớn các khoản phải thu khách hàng đến từ các hãng bay nội địa, trong đó phải thu từ Bamboo Airways tăng mạnh từ 40 tỷ đồng lên 109 tỷ đồng và VietJet tăng từ 156 tỷ đồng lên 199 tỷ đồng. Các hãng bay nước ngoài cũng có công nợ tại SAGS, nhưng không nhiều và không thay đổi đáng kể so với đầu năm.
Trong cơ cấu nợ ngắn hạn của Phục vụ mặt đất Sài Gòn, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản phải trả người lao động với giá trị 205 tỷ đồng, tăng 129 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Báo cáo tài chính quý III không giải thích chi tiết về khoản nợ này.
Tính đến hết quý III, SAGS có lượng tiền tương đối dồi dào, khoảng 641 tỷ đồng, bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền; khoản gửi ngắn hạn tại các nhà băng. Hết quý III, doanh thu tài chính của công ty đạt 37 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 15 tỷ đồng.