Cập nhật tình hình vĩ mô tháng 10, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đưa ra quan điểm dự báo về việc Tổng sản phẩm nội địa (Gross domestic product) GDP của Việt Nam có thể tăng 5,6% (+/- 0,5 điểm %) so với cùng kỳ năm ngoái trong Qúy IV/2022, nâng mức tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,9% so với cùng kỳ (+/- 0,2 điểm %).
Nhận định về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023, VNDIRECT dự báo sẽ ở mức 6,9% so với cùng kỳ trong bối cảnh một số yếu tố vĩ mô vẫn tương đối kém tích cực khiến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ và châu Âu tăng trưởng kinh tế chậm lại, có thể làm giảm triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát cao hơn có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của tiêu dùng trong nước cùng với mặt bằng lãi suất tăng làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với tình hình vĩ mô ngắn hạn trong quý IV/2022, theo VNDIRECT có một số rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng tới.
Đầu tiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu rất có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ đẩy lãi suất lên cao hơn trong tương lai, kéo theo nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, thị trường việc làm thắt chặt và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và châu Âu.
Theo đó, tình trạng nhu cầu tiêu dùng thấp hơn tại Mỹ và châu Âu sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này (chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2021) những quý tới đây.
Yếu tố tác động tiêu cực thứ hai phải kể đến là chính sách Zero-Covid và những bất ổn gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc cũng được xem là một trong biến số lớn tác động không mấy khả quan đến tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, việc nhiệt độ cao kỷ lục và hạn hán nghiêm trọng ở tây nam Trung Quốc đã làm tê liệt hoạt động sản xuất thủy điện và khiến nhiều nhà máy ở khu vực đó phải đóng cửa. Đây là đòn giáng mới nhất vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chứng kiến chi tiêu tiêu dùng tăng chậm và thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Bên cạnh đó, việc đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc do chính sách Zero-COVID hoặc cắt điện có thể tác động tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam do nhiều ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc như dệt may, luyện kim, hóa chất, điện tử.
Yếu tố thứ ba có nguy cơ ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam là việc đồng đô la Mỹ (USD) tăng mạnh gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
Theo đó, để ổn định tỷ giá, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước) đã phải can thiệp vào thị trường và bán ra một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, NHNN sẽ có ít nguồn lực hơn để can thiệp do dự trữ ngoại hối đã mỏng hơn trước.
Trong trường hợp xấu hơn, NHNN có thể phải tính đến việc tăng lãi suất điều hành, từ đó làm tăng chi phí kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine nguy cơ kéo dài và gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu rủi ro lạm phát tiếp tục được đặt ra cao hơn bao giờ hết.
Theo các chuyên gia phân tích tại VNDIRECT, việc lạm phát cao hơn dự kiến có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ có thể thắt chặt hơn và NHNN sẽ có ít dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố có phần kém tích cực như trên, theo VNDIRECT, vẫn có những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 như nguồn vốn đầu tư công dồi dào và lượng khách du lịch quốc tế trên đà phục hồi mạnh mẽ. Nhìn chung, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn 2022-2023.