Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố 2 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2022. Theo cả 2 kịch bản này, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 vượt mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đã đề ra từ đầu năm.
Trong kịch bản thứ nhất, CIEM dự báo, tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 6,7%; lạm phát bình quân 4,0%; tăng trưởng xuất khẩu 15,8% và thặng dư thương mại là 1,2 tỷ USD. Với kịch bản 2, tăng trưởng GDP là 6,9%; lạm phát bình quân 3,7%; tăng trưởng xuất khẩu 16,3% và thặng dư thương mại 2,5 tỷ USD.
Trước đó, báo cáo Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương và Phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra vào tháng 6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kinh tế 6 tháng đầu năm đã phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đã đề ra.
Cụ thể, theo kịch bản được đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng GDP 6 tháng dự kiến ở mức 5,1-5,7%, nhưng trên thực tế, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng 6,42%, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái là 5,74% và cao hơn bình quân giai đoạn 2016-2019 với 6,38%.
Trên cơ sở kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7,0%, cao hơn mục tiêu đề ra, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng năm 2023.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, thì quý III cần đạt mức tăng trưởng là 7,9%, (mức này nằm trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP); quý IV tăng 5,5%, (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm).
Với kịch bản thứ hai, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,0%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm) và quý IV tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP).
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhiều khả năng tăng trưởng GDP quý III sẽ đạt mức tăng trưởng cao, bởi GDP quý III năm ngoái, kinh tế tăng trưởng âm hơn 6%, do vậy, khả năng đạt con số tăng trưởng cao trên nền thấp như vậy là khả thi.
Cùng chung nhận định trên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - cho rằng: Số liệu thống kê 6 tháng cho thấy nền kinh tế phục hồi một cách tổng thể, đặc biệt là quý II phục hồi khá rõ. Trong khi đó, quý III năm trước Việt Nam tăng trưởng âm, nên quý III năm nay dự báo có thể đạt tăng trưởng trên 8%, nếu quý IV tăng trưởng GDP đạt từ 6-7% thì tăng trưởng cả năm đạt trên dưới 7% là điều hoàn toàn có thể.
Mặc dù có dự báo khá tích cực, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn đối diện với những thách thức không nhỏ do tác động từ bên ngoài. Cụ thể, xung đột Nga và Ukraine dẫn đến tăng giá xăng dầu, làm tăng chi phí sản xuất; hay việc ban hành các tiêu chuẩn quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường cho các sản phẩm nhập khẩu của các nước đối tác cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, sức ép lạm phát tại các quốc gia trên thế giới gia tăng, và dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp cũng gây tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong những tháng cuối năm…
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, nhằm giảm áp lực lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển.