Tại Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023 ngành Công Thương vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cho biết, căn cứ tình hình và khả năng tăng trưởng của các ngành trong nửa đầu năm, dự báo tăng trưởng sản xuất công nghiệp cả năm 2022 đạt khoảng 8,8% - 9%.
Xuất khẩu cả năm 2022 ước khoảng 368 tỷ USD
Trên cơ sở diễn biến tình hình trong nước và thế giới, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp cả năm phấn đấu tăng trên 9-9,5%, vượt kế hoạch tăng trưởng của ngành.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục dự báo còn nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới dự báo có thể có suy thoái kinh tế. Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia như khu vực Eurozone là 8,6% hay tại Hoa Kỳ là 9,1% trong tháng 6/2022 và dự kiến sẽ còn ở mức cao. Lạm phát cao có thể làm tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu nhập khẩu chịu ảnh hưởng, làm sụt giảm cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, kết quả xuất nhập khẩu tích cực trong 6 tháng đầu năm 2022 là cơ sở để ngành Công Thương phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra cho xuất khẩu của cả năm 2022.
"Nửa cuối năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kì xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP ngày càng được thực thi toàn diện và hiệu quả hơn, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc", Bộ Công Thương nhận định.
Trên cơ sở số sơ bộ xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%) và vượt mục tiêu Kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương tại Quyết định số 60/BCT - KH ngày 18 tháng 01 năm 2022 (8,1%) và nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD. Về cán cân thương mại, dự kiến năm 2022 xuất siêu khoảng 01 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch.
Liên quan đến phát triển thương mại nội địa, dự báo thời gian tới tình hình chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine; Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn tại nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế tại các quốc gia còn thiếu ổn định, không đồng đều, giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác ở mức cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics…
Các nhân tố trên đều tác động đến thị trường hàng hóa trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở cao. Xu hướng gia tăng giá cả các loại hàng hóa và lạm phát kỳ vọng trong thời gian tới có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được kiểm soát, các ngành du lịch, lữ hành có sự tăng trưởng mạnh trở lại do nhu cầu tăng, nhu cầu hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng để đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch. Bên cạnh đó, giá hàng hóa dịch vụ cũng có xu hướng tăng do ảnh hưởng bởi mặt bằng giá thế hàng hóa thế giới. Đây là những nhân tố có thể khiến doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, xu hướng lạm phát gia tăng có thể cũng là nhân tố kìm hãm chi tiêu tiêu dùng của người dân.
Do đó, Bộ Công Thương dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt khoảng 5.668,647 tỷ đồng, tăng khoảng 18,3% so với năm 2021 (cao hơn so với mục tiêu 8% Kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương tại Quyết định số 60/BCT-KH ngày 18 tháng 01 năm 2022) do tổng mức bán lẻ năm 2021 đã ở mức thấp, giảm 3,76% so với năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược
Đối với mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2023, Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ: Thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong toàn ngành. Đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh; quyết liệt thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm.
Tận dụng triệt để, hiệu quả các Hiệp định FTA để mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu; đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân.
Đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa và phát triển thương hiệu Việt; phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng; lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 phấn đấu tăng khoảng từ 9,5% - 10% so với năm 2022; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8% so với năm 2022, cán cân thương mại duy trì xuất siêu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt khoảng 6.178,825 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với năm 2022.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, thời gian tới Bộ Công Thương tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành công thương; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng các chuỗi cung ứng mới.
Tập trung điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
Tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất.
Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ kế hoạch triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo các định hướng ưu tiên đã được xác lập.
Cụ thể, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, thép, thiết bị điện…; một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử…; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng; công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông lâm, thủy sản; công nghiệp khai khoáng theo hướng chỉ cho phép áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn phục vụ sản xuất công nghiệp để tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp; rà soát, cải cách cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương.
Phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên; Tăng cường công tác ứng dụng chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất công nghiệp.
Ứng phó kịp thời với các yếu tố bất lợi
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, trên cơ sở thực tiễn và dự báo tình hình thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19, sự thay đổi trong chính sách thương mại của cả nước/đối tác lớn và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó kịp thời với các yếu tố bất lợi.
Chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết trong các FTA để vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, tận dụng tối đa các cơ hội, hạn chế thách thức từ những Hiệp định này.
Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng nông sản; tổ chức kết nối các hoạt động kết nối cấp vùng miền nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa.
"Đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu", Báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, chính sách, tập quán buôn bán của các thị trường để Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả. Tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước phát triển để giảm sự phụ thuộc vào khu vực FDI trong sản xuất và xuất khẩu của nước ta.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, trao đổi mua bán hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy thương mại chính ngạch bền vững, đồng thời đề xuất triển khai các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế.
Đối với thị trường nội địa, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, dự báo điều tiết cung - cầu hàng hóa; hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm; tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm và giá sữa, công tác quản lý các mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ tiếp tục thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Công tác quản lý thị trường tập trung thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Công tác phát triển thương mại điện tử, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thương mại điện tử và kinh tế số; Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử - Chính phủ số của Bộ Công Thương bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia.
Triển khai các kế hoạch, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các Hội nghị, lớp tập huấn về hội nhập kinh tế quốc tế tập trung vào việc hướng dẫn thực hiện các cam kết hội nhập trong các FTA theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành hàng cụ thể, gắn với điều kiện đặc thù của từng địa phương, vùng, miền.