Giữ vững mục tiêu lạm phát trung hạn
Nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái suy thoái đang ở mức cao. Ngay cả khi chu kỳ suy thoái này có thể ngắn hơn bình thường, tác động tiêu cực đến thương mại của Việt Nam có thể không tránh khỏi. Tuy nhiên do Việt nam là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại toàn cầu nên có khả năng sẽ giảm thiểu được phần nào các tác động nói trên.
Phân tích của SSI cho biết, từ dữ liệu kinh tế quý II/2022, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2022 là 7,0% (tương đương với mức tăng 7,5% trong nửa cuối năm 2022) nhờ mức nền thấp của năm 2021.
SSI dự báo lạm phát trung bình của Việt Nam vào khoảng 3,5% vào năm 2022, thấp hơn so với mục tiêu 4,0% của Chính phủ và so với mức lạm phát được dự báo các quốc gia khác. Tuy nhiên, lạm phát tại thời điểm cuối quý 4 có thể sẽ tăng lên 5% so với cùng kỳ và thậm chí sẽ cao hơn trong quý I/2023 trước khi hạ nhiệt dần vào nửa cuối năm 2023.
Trên thực tế, mặc dù lạm phát tại Việt Nam đang tăng dần (dưới áp lực từ chi phí xăng dầu) nhưng với tốc độ chậm hơn so với hầu hết các quốc gia khác, phần nào nhờ vào nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào trong nước.
Trong ngắn hạn, lạm phát toàn phần gia tăng chủ yếu do các yếu tố chi phí đẩy, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao đẩy giá cả thực phẩm tăng lên theo. Trong khi đó, lạm phát do cầu kéo vẫn duy trì ở mức thấp. Năm 2023, áp lực lạm phát còn đến từ việc điều chỉnh giá của các dịch vụ do Chính phủ quản lý (như giá điện, y tế và giáo dục) sau 2 năm bị trì hoãn. Mục tiêu lạm phát trung hạn được kỳ vọng vẫn giữ vững trong kỳ vọng của Chính phủ (4%) và không bị ảnh hưởng bởi những biến động giá trong ngắn hạn.
Tăng trưởng tín dụng cả năm có thể dao động từ 15-16%
Với mục tiêu tăng trưởng năm 2022 vẫn đang được duy trì, nên SSI cho rằng chính sách vĩ mô trong nửa cuối năm nay là sự kết hợp giữa chính sách tài khóa mở rộng (khi Chương trình phục hồi và phát triển – sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023) và chính sách tiền tệ thận trọng hơn.
Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ là tâm điểm chú ý trong nửa cuối năm 2022, do mục tiêu điều hành của NHNN là sự cân bằng giữa tốc độ tăng lãi suất và chính sách tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, chính sách tiền tệ sẽ vẫn hướng đến hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ được điều chỉnh một cách thận trọng và các khoản vay tới các lĩnh vực rủi ro sẽ được giám sát chặt chẽ hơn. "Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của năm 2022 có thể dao động trong khoảng 15%-16%, giảm tốc so với mức 17% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022", SSI dự báo.
Trong nửa đầu năm 2022, NHNN đã chọn cách tiếp cận thận trọng và trì hoãn việc tăng lãi suất nhằm có thể hỗ trợ nền kinh tế hậu Covid-19. Tuy nhiên, với việc áp lực lạm phát đang gia tăng, NHNN có thể sẽ áp dụng các biện pháp linh hoạt để ổn định tỷ giá trước xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu.
SSI kỳ vọng NHNN sẽ thận trọng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, đưa lãi suất VND ở mức hợp lý so với lãi suất USD. Tiền Đồng có thể sẽ mất giá 2,2% vào cuối năm 2022. Đồng thời, NHNN cũng có thể sẽ thận trọng hơn trong việc nâng hạn mức tín dụng cho các NHTM trong nửa cuối năm nay.
Với ngành ngân hàng, nhóm phân tích đánh giá rủi ro từ nợ tái cấu trúc do Covid-19 có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn.
SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ở mức 38-39%. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023.
Theo ước tính, một phần tư tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024. Rủi ro này sẽ thể hiện rõ hơn vào chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023.
Chi phí huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản đang tăng lên, trong khi các khoản vay mua nhà có thời gian ân hạn 2020-2022 sẽ hết thời gian ưu đãi và có rủi ro trở thành nợ xấu vào năm 2023 khi các khoản thanh toán gốc và lãi đến hạn (trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản bị thắt chặt).