Theo số liệu mới nhất được Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 9/6 đã đạt 8,15% so với cuối năm 2021, tương đương mức tăng 17,09% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tính từ đầu năm, các ngân hàng đã bơm ròng hơn 850.000 tỷ đồng ra nền kinh tế qua kênh cho vay. Mức bơm ròng này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và gấp 4 lần so với năm 2020. Tuy nhiên, tính từ cuối tháng 5 đến nay, tốc độ tăng trưởng này đã có xu hướng chậm lại.
Tín dụng giảm tốc
Cụ thể, cũng theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng là 8,04%, tương đương mức bơm ròng gần 840.000 tỷ đồng ra nền kinh tế. Như vậy, trong 9 ngày đầu của tháng 6, chỉ có khoảng 10.000 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay ra thị trường, tương đương mức tăng 0,11%.
Mức tăng này chưa bằng một nửa so với mức tăng trưởng tín dụng trong tuần cuối cùng của tháng 5 (25-31/5) với 0,29%.
Xét trên biểu đồ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, thị trường trong nước ghi nhận chỉ tiêu này tăng mạnh trong suốt giai đoạn tháng 3 đến tháng 5, với mức tăng bình quân 1,8%/tháng, tương đương 0,45%/tuần, gấp 4 lần so với 9 ngày đầu tiên của tháng 6.
Từ đầu năm, duy nhất tháng 2 ghi nhận tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt dưới 1% do là tháng có đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, còn lại tăng trưởng tín dụng các tháng đều đạt xấp xỉ 2%.
Nếu tính theo số tuyệt đối, các ngân hàng đã bơm ròng 260.000 tỷ đồng trong tháng 1, 17.000 tỷ đồng trong tháng 2, rồi tăng mạnh lên 347.000 tỷ vào tháng 3, 81.500 tỷ tháng 4 và 135.000 tỷ đồng tháng 5.
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng giảm tốc từ đầu tháng 6 đến nay là do nhiều ngân hàng lớn đã gần cạn room tín dụng. Như tại Vietcombank, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 đã đạt 9%, gần chạm chỉ tiêu tăng trưởng cả năm mà NHNN cho phép.
Lãnh đạo nhà băng này cho biết sau cơn “hạn hán” tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch bệnh năm trước, nhu cầu vốn của nền kinh tế đã tăng cao từ đầu năm. Tuy nhiên, việc gần cạn room khiến ngân hàng phải cân nhắc các giao dịch cho vay mới.
Tương tự, Phó tổng giám đốc BIDV - ông Trần Phương - cho biết từ cuối năm 2021 đến nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng đã tăng rất mạnh, đặc biệt là khách hàng tốt, dẫn tới mức room tín dụng 10% BIDV được giao cho cả năm nay không thể đáp ứng hết. Vì vậy, BIDV đề xuất NHNN được nới room tín dụng trong giai đoạn nửa cuối năm 2022.
Hàng loạt ngân hàng lớn khác cũng phản ánh về việc gần cạn room tín dụng dù chưa đi hết nửa năm tài chính 2022 và đề xuất được nới room. Với Vietcombank, trong 5 tháng đầu năm, nhà băng này tăng trưởng tín dụng hơn 9%, trong khi hạn mức năm nay tăng trưởng chỉ 15%. Nhiều ngân hàng đã đạt 60-70% hạn mức.
Ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ chính sách tiền tệ, cho biết dù có một số ngân hàng phản ánh về việc gần hết room tín dụng nhưng thực tế tăng trưởng toàn ngành mới đạt 8,15%, còn khá xa so với hạn mức 14% NHNN đặt ra cả năm.
“Vấn đề tăng trưởng tín dụng được NHNN theo dõi rất sát với từng ngân hàng, theo từng ngày. Một số ngân hàng đã gần cạn room thì đương nhiên sẽ có trạng thái phòng thủ để đảm bảo khẩu vị rủi ro, cấp phần tín dụng còn lại cho các khách hàng tốt, khách hàng ưu tiên”, ông Quang phân tích.
Chưa tăng room tín dụng
Về công tác điều hành tín dụng, ông Phạm Chí Quang cho biết NHNN đã duy trì việc xét cấp tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng từ năm 2011 đến nay. Trong 11 năm qua, cơ quan quản lý thường xuyên rà soát, cập nhật việc điều chỉnh room tín dụng cùng với các biện pháp quản trị vĩ mô khác. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế rất cao và cần được kiểm soạt.
Ông cho biết trước năm 2011, khi NHNN chưa áp dụng công cụ cấp hạn mức tín dụng, tăng trưởng bình quân hàng năm ở chỉ tiêu này của nền kinh tế đều đạt trên 30%, thậm chí có năm tăng 53,8%.
“Như vậy là bảng cân đối tài sản của hệ thống đã tăng gấp rưỡi chỉ sau một năm. Mức tăng trưởng này vượt rất xa khả năng quản trị, khả năng cân đối vốn của các ngân hàng thương mại, dễ dẫn tới rủi ro mất khả năng thanh toán”, ông Quang cho biết.
Với lý do trên, lãnh đạo NHNN cho biết cần phải duy trì song song việc quản trị hệ thống ngân hàng theo các tỷ lệ an toàn, đồng thời kiểm soát tăng trưởng tín dụng, để giám sát từ xa, đảm bảo hoạt động của các ngân hàng trong tầm kiểm soát.
Theo NHNN, trong 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đều đạt trên 20%/năm, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế. Vì vậy, nếu để các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tự do, áp lực lạm phát sẽ rất lớn. “Để đáp ứng nhu cầu cho vay lớn này, các ngân hàng cũng sẽ tăng tìm kiếm nguồn vốn huy động, từ đó làm tăng lãi suất huy động, tăng lãi suất cho vay và tăng nợ xấu”, ông Quang nhấn mạnh.
Phó vụ trưởng phụ trách Vụ chính sách tiền tệ cho biết quan điểm hiện tại của NHNN vẫn là tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm nay và sẽ điều chỉnh theo tình hình thực tế cuối năm.
Trong đó, NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng nhiều hơn cho các ngân hàng có xếp loại cao theo các tiêu chí về chất lượng tài sản, lĩnh vực cho vay. Cơ quan quản lý cũng sẽ cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng tham gia xử lý ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân.
Ngược lại, NHNN sẽ thường xuyên đưa ra cảnh báo với các nhà băng có tăng trưởng cho vay lớn trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Trường hợp ngân hàng đã bị cảnh báo vẫn tham gia vào lĩnh vực này, NHNN sẽ xem xét trừ hạn mức tăng trưởng tín dụng.