Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với kết quả kém khả quan. Cụ thể, trong quý cuối năm vừa qua, tập đoàn đã ghi nhận doanh thu thuần giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, về mức 4.157 tỷ đồng.
Giá vốn tăng cao khiến biên lãi gộp Vinatex giảm mạnh (từ 14% xuống 5%) trong kỳ, kéo lãi gộp của tập đoàn giảm tới 71%, xuống hơn 194 tỷ đồng.
Trong quý vừa qua, doanh thu hoạt động tài chính của Vinatex đã tăng đáng kể lên gần 246 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng gấp đôi khiến tập đoàn phải chi ra hơn 192 tỷ đồng.
Tương tự, lãi thuần từ hoạt động liên doanh liên kết của tập đoàn cũng giảm 19% trong quý, về còn 191 tỷ đồng.
Những biến động lớn trên khiến Vinatex báo lỗ sau thuế hơn 5 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi hơn 234 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đây là quý thua lỗ đầu tiên của tập đoàn dệt may này kể từ khi cổ phần hóa năm 2014.
Lãnh đạo Vinatex lý giải kết quả thua lỗ kể trên là do ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid của chính phủ Trung Quốc dẫn đến nhu cầu của một số thị trường giảm vào thời điểm cuối năm, từ đó ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá hàng tồn kho sợi. Các công ty sợi thành viên của tập đoàn đã phải trích đầy đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho để phù hợp với giá thị trường.
Việc trích lập dự phòng trên đã ảnh hưởng lớn đến kết quả quý IV/2022, nhất là khi sản lượng tiêu thụ cao, giá bán tốt do nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thương mại và dịch bệnh.
Tính chung cả năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận doanh thu thuần 18.364 tỷ đồng, tăng 15%. Tuy vậy, ảnh hưởng từ khoản lỗ quý cuối năm, lợi nhuận trước thuế và sau thuế cả năm của tập đoàn này đã giảm gần 20%, đạt lần lượt 1.211 tỷ và 1.070 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đề ra đầu năm, ban lãnh đạo Vinatex đã đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 18.067 tỷ và có lãi trước thuế 951 tỷ đồng. Với kết quả trên, tập đoàn này vẫn ghi nhận vượt 2% chỉ tiêu doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận.
Hiện Vinatex là tập đoàn lớn nhất trong ngành dệt may Việt Nam với quy mô tổng tài sản hơn 20.200 tỷ đồng, không biến động nhiều trong năm qua. Phần lớn tài sản của tập đoàn nằm ở mục tài sản cố định (6.315 tỷ); hàng tồn kho (4.032 tỷ); các khoản phải thu ngắn hạn (2.485 tỷ) và tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tương đương tiền (2.813 tỷ)...
Doanh nghiệp cũng có các khoản vay nợ tài chính với giá trị tổng cộng 7.143 tỷ đồng, tăng thêm 4% trong năm qua. Vốn chủ sở hữu đạt trên 9.500 tỷ đồng, chiếm phân nửa tổng nguồn vốn.
Thực tế, không riêng Vinatex mà kết quả kinh doanh của toàn ngành dệt may đã có sự đảo chiều mạnh trong năm 2022 khi ghi nhận nhiều thuận lợi giai đoạn đầu năm nhưng đảo chiều từ tháng 8. Khó khăn của giai đoạn nửa cuối năm đã kéo tụt mức tăng trưởng cả năm của nhiều doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm chỉ ghi nhận mức tăng 3,8%, đạt 42 tỷ USD.
Lãnh đạo Vinatex cũng từng nhận định triển vọng thị trường chưa có xu hướng đi lên, ít nhất trong quý đầu năm 2023 vẫn chưa khả quan. Vinatex và các thành viên phải tìm cách giữ vị trí trong chuỗi sản xuất bằng cách nhận làm cả một số đơn hàng không hiệu quả.