Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với doanh thu hợp nhất tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 34.925 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Hòa Phát thu về trong quý cuối năm ngoái đạt 2.969 tỷ đồng, tăng 249% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn 48% so với quý trước liền trước.
Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp được mệnh danh là "vua thép" đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch năm.
Năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6,72 triệu tấn, giảm 7%.
Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 3,78 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Thép cuộn cán nóng HRC ghi nhận gần 2,8 triệu tấn, tăng 6% với với năm 2022. Bên cạnh các dòng sản phẩm thép truyền thống, Hòa Phát đã đầu tư chế biến sâu, đẩy mạnh sản xuất các loại thép chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Về sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cung cấp 685.000 tấn ra thị trường, giảm 9% so với năm 2022. Tôn mạ các loại đạt tương đương năm trước đó khi đạt 329.000 tấn.
Trong tháng 8/2023, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đã đưa bến đầu tiên của cảng tổng hợp container tại Dung Quất - Quảng Ngãi đi vào hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu bốc xếp hàng hóa của các doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Dung Quất và các vùng lân cận.
Hiện tại, Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 của Hòa Phát đã đạt 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch đã đề ra. Dự án có quy mô hơn 280 ha, nằm kề bên Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1. Công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn thép HRC/năm và được tập đoàn khởi công trong năm 2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Lãnh đạo Hòa Phát cho rằng đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025 khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động có thể giúp doanh thu của tập đoàn tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 3/2022, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký kết hợp đồng tín dụng với 8 ngân hàng lớn của Việt Nam. Theo đó, 8 nhà băng - dẫn đầu bởi Vietcombank - sẽ thu xếp khoản vay hợp vốn 35.000 tỷ đồng cho Hòa Phát Dung Quất để làm dự án Dung Quất 2. Đây là khoản tín dụng lớn nhất từ trước tới nay của Hòa Phát với các ngân hàng.
Chia sẻ về lý do đầu tư dự án Dung Quất 2, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết hiện tổng nhu cầu thép cán nóng trong nước khoảng 12 triệu tấn/năm và tăng trưởng bình quân 10%/năm.
Trong khi đó, thị trường trong nước có 2 nhà sản xuất lớn nhất là Hòa Phát và Formosa, mới cung cấp khoảng 8 triệu tấn/năm. Vì vậy, việc đầu tư dự án Dung Quất 2 là cần thiết và dự kiến đến năm 2024, khi nhà máy cho ra sản phẩm thì thị trường vẫn còn tốt.