UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 3/3/2023 triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Trong đó căn cứ theo Kế hoạch, đơn vị được giao trách nhiệm sẽ báo cáo UBND TP, thành ủy về việc hoàn thiện hồ sơ, Đề án đối với huyện Gia Lâm trong tháng 6/2023. Trình HĐND TP thông qua chủ trương đề nghị Đề án đối với huyện Gia Lâm trong tháng 7/2023. Hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ về Đề án đối với huyện Gia Lâm trong quý 4/2023.
Hạ tầng mở đến đâu, giá bất động sản lên đến đó
Quy luật thị trường cho thấy hạ tầng mở rộng đến đâu, giá bất động sản lên theo đến đấy. Đầu tiên, giá tăng mạnh khi có “thông tin lên quận”, chủ yếu diễn ra ở phân khúc đất nền. Sau đấy giá sẽ tăng đều trở lại khi quận/huyện đó hình thành khu dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ. "Với câu chuyện huyện lên quận, việc tăng giá là đương nhiên nhưng quan trọng, chu kỳ tăng giá như thế nào, và việc tăng giá cũng tùy thuộc vào khu vực, phân khúc sản phẩm bất động sản đó có đáp ứng nhu cầu của khách hàng hay không", ông Tiến nhìn nhận.
Thực tế cho thấy, loại hình bất động sản ở Gia Lâm rất đa dạng, tuy nhiên giai đoạn này, đất nền trầm lắng, ít thanh khoản. Còn nhà thổ cư, mặt bằng giá tại Gia Lâm đang cao (khoảng 90 triệu/m2 với nhà thổ cư trong ngõ); biệt thự, liền kề thì không dành cho số đông nhà đầu tư mà nguồn cung sơ cấp cũng không nhiều.
Riêng chung cư, nhu cầu mua để ở vẫn duy trì mức cao kể cả khi thị trường nhiều biến động. Chung cư có lợi thế hơn nhà đất khi dịch vụ cũng như tiện ích sống được nhà đầu tư chú trọng. Từ 2017 đến quý 4/2022, giá chung cư sơ cấp toàn Hà Nội tăng trưởng trung bình 7% hàng năm.
Song cũng nhiều ý kiến lo ngại rằng do tập trung nguồn cung lớn nên khu vực phía đông Hà Nội, đặc biệt là Gia Lâm có thể sẽ dư thừa nguồn cung nhà ở trong tương lai.
Sẽ có thêm 87.900 căn hộ mở bán mới
Bàn về vấn đề này, ông Tiến thông tin, nguồn cung cao tầng khu đông 3 năm tới từ 2023 – 2025 dự kiến đón thêm 87.900 căn hộ mở bán mới. Thị phần căn hộ của khu vực này đạt khoảng 46% giai đoạn 2023 - 2025, trở thành khu vực dẫn đầu về nguồn cung căn hộ cao tầng tại Hà Nội, Hưng Yên. Tuy nhiên, nhu cầu chung cư cũng tương đối cao, chủ yếu đến từ những hộ gia đình trung lưu. Mà trung bình mỗi năm Hà Nội có thêm khoảng 75.000 hộ gia đình trung lưu (theo Oxford Economics).
Hơn nữa, theo định hướng phát triển của Hà Nội, khu đông trong đó có Gia Lâm sẽ là nơi đón làn sóng dịch chuyển cư dân từ khu vực “nội đô lịch sử" vốn đã quá tải về hạ tầng nhà ở, tiện ích, sang đô thị hiện đại được đầu tư bài bản hạ tầng, tiện ích và đảm bảo chất lượng sống của người dân. Như vậy rất khó xảy ra tình trạng dư thừa hay giảm giá bất động sản ở Gia Lâm.
Đưa ra ý kiến, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu & tư vấn, Savills Hà Nội nhận xét, với thông tin huyện Gia Lâm và Đông Anh lên thành quận, chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các dự án nhà ở tại đây thêm cơ hội phát triển.
“Nhìn chung, tốc độ đô thị hóa nhanh đã tạo động thúc đẩy thị trường căn hộ sôi động hơn. Đặc biệt nếu hệ thống pháp lý được hoàn thiện, kỳ vọng thị trường càng nhiều chuyển biến tích cực, giải quyết được bài toán về chỗ ở phù hợp cho đa số người dân cũng như gỡ khó cho chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản”, chuyên gia của Savills nhận xét.