Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã TAR-HNX) vừa công bố giải trình ý kiến kiểm toán BCTC Riêng và hợp nhất bán niên 2023.
Cụ thể: TAR giải trình về việc tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Phía Nam (AASCS) không thể đưa ra kết luận nào về các báo cáo tài chính giữa niên độ đối với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đã được soát xét dựa trên các cơ sở sau:
Bên kiểm toán có tiến hành kiểm kê hàng tồn kho tại ngày kết thúc kỳ kế toán, tuy nhiên tại thời điểm đó bên kiểm toán chưa được bổ nhiệm thực hiện soát xét Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 cho công ty, với tài liệu được cung cấp, bên kiểm toán cũng không thể xác định tính hiện hữu và sở hữu của số liệu hàng tồn kho tại ngày 30/06/2023 được trình bày tại Bảng cân đối kế toán.
Hiện nay, công ty đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về các vấn đề được nêu trong Kết luận thanh tra của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 13/09/2023 bao gồm: chủ sở hữu của 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Công ty; việc lập hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ năm 2021; số liệu hàng tồn kho công bố trên Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán với số tiền: 1.255.542.463.893 đồng.
Qua đó, kiểm toán không thể đánh giá và định lượng mức độ ảnh hưởng của các vấn đề này đến Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty.
Trước đó, HNX thông báo chuyển cổ phiếu TAR sang diện bị hạn chế giao dịch từ ngày 30/10/2023 do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 45 ngày so với thời hạn quy định và cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào phiên Thứ Sáu hàng tuần kể từ ngày hiệu lực và cổ phiếu này đã bị cắt margin từ ngày 18/9/2023.
Về tình hình sản xuất kinh doanh, theo báo cáo quý 4/2023 TAR ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.005 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ (4.485 tỷ). Lợi nhuận gộp của Công ty giảm hơn 55% xuống còn gần 30 tỷ đồng;
Trong kỳ, công ty ghi nhận ngoài chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận giảm - trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng vọt so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, chi phí bán hàng tăng vọt từ 7,4 tỷ đồng lên 34,4 tỷ đồng (gấp 4,6 lần).
Nguyên nhân là do phát sinh hoàn chi phí dịch vụ mua ngoài hơn 28 tỷ đồng. Đáng lưu ý, do phát sinh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá mà chi phí tài chính của TAR lên tới 34,7 tỷ đồng (tăng 16%).
Cuối quý 4, TAR báo lỗ gần 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi gần 18 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 4.484 tỷ đồng, tăng 18% (3.798 tỷ); song công ty vẫn báo lỗ sau thuế hơn 19 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi hơn 75 tỷ đồng.
Năm 2023, TAR vượt mục tiêu doanh thu của năm (3.800 tỷ đồng) nhưng không đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế (dự kiến 50 tỷ đồng) và kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là lần đầu tiên TAR báo lỗ.
Tính đến ngày 31/12/2023, nợ phải trả của TAR tăng 9,5% từ 1.588,8 tỷ lên 1.741 tỷ đồng - trong đó, vay nợ ngắn hạn ghi nhận đạt 1.542 tỷ đồng, tăng 12%, ngược lại, vay nợ dài hạn giảm 59,8% từ 13,3 tỷ xuống 8,3 tỷ đồng.