Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng kể từ ngày 3/4, toàn bộ nhóm ngân hàng tư nhân đã điều chỉnh lại biểu lãi suất huy động. Trong khi đó, 4 ngân hàng có vốn nhà nước vẫn giữ nguyên biểu lãi suất khi đã niêm yết ở dưới mức quy định.
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết tại 34 ngân hàng trong nước, hiện lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng đang được các ngân hàng áp dụng là 0,5%/năm. Mức lãi suất này phổ biến tại các ngân hàng tư nhân nhỏ, trong khi các ngân hàng tư nhân lớn và nhóm Big4 áp dụng mức lãi 0,1 – 0,3%.
Tại kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng , lãi suất tối đa cũng được các ngân hàng giảm về mức 5,5%/năm. Thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm về mức 5,2% như SHB, PVComBank và SeABank, hoặc dưới 5% như Ngân hàng Bản Việt.
Bên cạnh các kỳ hạn dưới 6 tháng, hầu hết các ngân hàng tư nhân cũng giảm lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức giảm dao động chủ yếu trong khoảng 0,2 – 0,5 điểm % so với biểu lãi suất trước đó. Một số ngân hàng còn ghi nhận mức giảm 0,7 -0,8 điểm % tại một số kỳ hạn từ 6 tháng trở lên như SHB, LienVietPostBank, ABBank.
Tại kỳ hạn 6 tháng , SCB hiện có lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường, đạt 9%/năm. Mức lãi suất 8,5 – 8,8% cũng chỉ còn được một vài ngân hàng áp dụng như BaoVietBank (8,8%), HDBank (8,8%), NamABank (8,6%), GP Bank (8,6%), KienlongBank (8,6%), OCB (8,5%), VietABank (8,5%). trên
Tại kỳ hạn 12 tháng, cũng chỉ còn duy nhất SCB áp dụng mức lãi suất 9%. Tiếp theo đó có khoảng 10 ngân hàng áp dụng mức lãi suất từ 8,5% trở lên như GP Bank, BaoVietBank, OCB, NamABank, HDBank, Kienlongbank…
Tại kỳ hạn 13 tháng, OCB là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất, ở mức 9,3%/năm. Đứng sau lần lượt là HDBank (9,2%), BaoVietBank (9,1%) và SCB (9%). Ngoài ra còn 9 ngần hàng khác áp dụng mức lãi suất từ 8,5% trở lên.
Đối với kỳ hạn 36 tháng , OCB cũng là ngân hàng mức lãi suất cao nhất, lên tới 9,3%. Theo sau lần lượt là SCB và ABBank (9%). Một số ngân hàng tư nhân nhỏ cũng đang huy động lãi suất 8,5 – 8,9% cho kỳ hạn này như GPBank, Bac A Bank, VietBank, Viet A Bank, SeABank, PVComBank,…
Lãi suất niêm yết của các ngân hàng ngày 4/4. (Quang Hưng tổng hợp)
Như vậy, so với mức đỉnh điểm ghi nhận hồi giữa tháng 1, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 – 1,5% ở tất cả kỳ hạn. Các đợt giảm mạnh nhất diễn ra sau 2 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN vào ngày 15/3 và 3/4.
Theo NHNN, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn dưới 6 tháng để các TCTD giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính; tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 4,5%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
“Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, thông cáo NHNN cho biết.