Siêu du thuyền Icon of the Sea đặt cạnh một con tàu thông thường. Ảnh: Cruise Fever.
"Siêu du thuyền lớn nhất thế giới", "du thuyền khổng lồ, xa hoa",... là một số cụm từ dùng để chỉ những con tàu chở khách với kích thước choáng ngợp, đầy đủ tiện nghi hiện đại, phục vụ từ A-Z.
Cuộc đua của những ông lớn trong ngành công nghiệp du thuyền đang "thổi phồng" cả về chiều ngang lẫn độ rộng của phương tiện chở khách du lịch bằng đường thủy này, theo CNN.
Và nếu sự tăng trưởng trong lĩnh vực này không chậm lại, những con tàu to nhất vào năm 2050 sẽ lớn gấp 8 lần so với Titanic nếu xét về trọng tải, theo Liên đoàn Giao thông và Môi trường Châu Âu (T&E).
"Phình to" đáng báo động
Năm 1911, tàu chở khách lớn nhất thời điểm bấy giờ là Royal Mail Ship Titanic (RMS Titanic - của công ty White Star Line) với chiều dài 269 m. Chiều cao từ mặt nước tới boong tàu là 18 m, nặng 46.329 tấn.
Hơn một thế kỷ trôi qua, trọng tải của Icons of the Seas (của tập đoàn Royal Caribbean) - siêu du thuyền lớn nhất tính đến nay - là 248.663 tấn, gấp khoảng 5,4 lần so với tàu Titanic. Sức chứa hành khách cũng tăng gấp 2-3 lần từ 2.435 lên 5.610 (tối đa 7.600).
Hình vẽ so sánh 2 tàu du lịch lớn nhất thế giới - Icons of the Seas (2023) - và RMS Titanic (1911). Ảnh: Guardian.
Inesa Ulichina, một nhà phân tích vận chuyển bền vững tại T&E, cho rằng những chiếc tàu tuần dương ngày nay làm cho tàu Titanic trông giống như một chiếc thuyền đánh cá nhỏ.
Bên cạnh đó, số lượng tàu du lịch đã tăng gấp 20 lần từ con số 21 vào năm 1970 lên 515 ngày nay, theo T&E.
So sánh riêng những con tàu thuộc tập đoàn Royal Caribbean, Song of Norway là tàu du lịch đầu tiên được hạ thủy vào năm 1970 với sức chứa chỉ 724 hành khách, sau đó được cải tiến vào 1978 để phục vụ 1.024 khách. 21 năm sau, Royal Caribbean chinh phục tham vọng đưa 3.602 người du ngoạn khắp nơi trên con tàu lớn nhất thế giới năm 1999 là Voyager of the Seas.
25 năm sau, Icons of the Seas là minh chứng cho thấy tốc độ phát triển đáng kinh ngạc và tham vọng thống lĩnh thị trường tàu biển du lịch của đơn vị.
Song không phải lĩnh vực nào ngày một phát triển cũng là điều đáng biểu dương, theo T&E.
Gánh nặng cho môi trường, du lịch địa phương
Khoảng 35 triệu hành khách sẽ sử dụng các tàu du lịch trong năm nay - tăng 6% so với mức trước đại dịch.
Một báo cáo công bố hồi tháng 6 của JP Morgan (công ty dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới) chỉ ra rằng nhu cầu du lịch đường biển hiện nay "vẫn mạnh mẽ".
Trong khi đó, các chuyên gia tàu biển vẫn đang tìm cách giải quyết triệt để vấn đề đáng báo động nhất khi vận hành một chiếc tàu du lịch - khí thải.
Lĩnh vực này có lượng khí thải carbon lớn. Các tàu du lịch đã xả lượng carbon dioxide ra môi trường nhiều hơn 17% vào năm 2022 so với năm 2019. Và lượng khí thải methane đã tăng 500% trong cùng khoảng thời gian, theo T&E.
Bên trong Icons of the Seas. Ảnh: Erica Silverstein/The Points Guy.
Stefan Gössling, giáo sư nghiên cứu về du lịch và khủng hoảng khí hậu tại Đại học Linnaeus (Thụy Điển), cho biết tàu du lịch chỉ là mảng ngách trong ngành công nghiệp không khói toàn cầu nhưng "hầu như không có bất kỳ hình thức du lịch nào sử dụng nhiều năng lượng hơn du lịch trên biển. Tác hại nhân đôi nếu chúng kết hợp với chuyến bay đến điểm khởi hành".
Giống như máy bay, những con tàu lớn di chuyển quãng đường dài không thể chạy bằng điện vì pin sẽ quá nặng để mang theo. Thay vào đó, các chuyên gia đã khuyến nghị các đơn vị sản xuất chuyển từ đốt nhiên liệu hóa thạch sang các lựa chọn thay thế sạch hơn như năng lượng tái tạo.
Lấy ví dụ về Icons of the Seas. Vào ngày ấn định hạ thủy, người phát ngôn của Royal Caribbean tuyên bố điểm hẹn dành cho gia đình này sẽ tiết kiệm 24% năng lượng nhờ sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Người này mô tả LNG là "nhiên liệu biển đốt sạch nhất".
Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường lại không nghĩ như vậy.
Bryan Comer - người đứng đầu Chương trình hàng hải của Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch - cho rằng việc quyết định sử dụng LNG như một "giải pháp khí hậu" là nước đi sai lầm của tập đoàn tàu biển này.
Phát ngôn viên của tập đoàn khẳng định Icon of the Seas có các bể chứa LNG lớn nhất từng được lắp đặt trên một con tàu. Đó là greenwashing.
Nhưng định nghĩa về greenwashing (tạm dịch: tẩy xanh) lại chứng minh điều ngược lại.
Thuật ngữ này xuất hiện vào những năm 1980. Trong một bài luận năm 1986, nhà môi trường học Jay Westerveld dùng thuật ngữ greenwashing để chỉ tuyên bố sai lệch của một khách sạn khi họ cho rằng việc tái sử dụng khăn tắm là hành vi thân thiện với môi trường, nhưng Jay Westerveld đã chứng minh mục đích thật sự của việc làm này là tiết kiệm chi phí cho khách sạn.
Hiện tại, greenwashing dùng để những phát ngôn sai lệch về môi trường của các tổ chức. Họ phát đi lời lẽ, quảng cáo chứng tỏ sản phẩm của doanh nghiệp thân thiện với môi trường.
Đông đảo khách du lịch đợi xem hoàng hôn trên đảo Santorini. Ảnh: Giovanni Gagliardi/Dreamstime.com.
Bên cạnh đó, cũng trong báo cáo của T&E, các cảng châu Âu đang đối phó nạn quá tải du lịch khi du thuyền "ồ ạt" đưa khách đến vào mùa hè nóng bức. Do đó, một số quốc gia đưa ra phương án hạn chế dòng khách di chuyển bằn đường thủy.
Barcelona đã công bố kế hoạch đánh thuế du khách du lịch, đặc biệt là những người thường chỉ dành vài giờ trong thành phố. Venice cũng đã cấm các tàu du lịch lớn đi vào đầm phá để giảm thiểu thiệt hại lên công trình trong thành phố.
Mới đây, Santorini (Hy Lạp) cũng "đau đầu" khi lượng khách đến đảo bằng tàu du lịch tăng lên đáng kể. Chính quyền đại phương muốn cắt giảm một nửa lượng khách để hòn đảo bình yên trở lại, theo Reuters.
Trong lộ trình đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến 44% năng lượng cần thiết cho vận chuyển quốc tế sẽ đến từ amoniac, tiếp theo là hydro (19%), nhiên liệu sinh học (19%) và metanol (3%), theo Guardian.