Ngày 21/11, tàu vũ trụ Orion của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiếp cận bề mặt Mặt Trăng trong quá trình đi vào quỹ đạo. Đây là giai đoạn tiếp theo của sứ mệnh Artemis I sau khi tên lửa SLS được phóng thành công vào ngày 16/11.
Cơ quan này đã mất tín hiệu với Orion trong 30 phút. Khi lấy lại liên lạc, Orion di chuyển với tốc độ hơn 8.000 km/h. Đây là lần đầu tiên sau 50 năm, NASA đưa tàu vũ trụ tiếp cận Mặt Trăng từ khi sứ mệnh Apollo kết thúc.
Camera của Orion đã ghi lại quá trình tiếp cận quỹ đạo Mặt Trăng, cho thấy Trái Đất phía xa với khoảng cách hơn 370.000 km. Tàu vũ trụ cũng bay qua Tranquility Base, nơi Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969. Tuy nhiên, không có hình ảnh được chụp bởi vị trí này đang chìm trong bóng tối.
Judd Frieling, Giám đốc phụ trách chuyến bay Artemis I cho biết các nhân viên tại Trung tâm Vũ trụ Johnson, nơi điều hành sứ mệnh đã "choáng ngợp" khi nhìn thấy hình ảnh gửi về từ Orion. Ngay cả kỹ sư không lưu cũng "hoàn toàn kinh ngạc" khi tàu vũ trụ tiếp cận bề mặt Mặt Trăng.
Chuyến bay Artemis I mang theo 3 hình nộm mô phỏng phi hành gia, được phóng nhằm kiểm tra hiệu quả tấm chắn nhiệt trên khoang phi hành đoàn, thử nghiệm công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói Callisto trên Orion. Vị trí tiếp cận của tàu vũ trụ cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 130 km.
Trong những ngày tới, Orion tiếp tục bay quanh bề mặt Mặt Trăng để đạt đủ tốc độ vào quỹ đạo. Một động cơ khác sẽ được kích hoạt vào ngày 25/11 để hỗ trợ quá trình này.
Dự kiến trong cuối tuần, Orion sẽ phá kỷ lục của NASA với tàu vũ trụ được thiết kế cho phi hành gia có khoảng cách xa Trái Đất nhất, đạt 433.000 km vào ngày 28/11. Trước đó, kỷ lục này thuộc về tàu vũ trụ dùng cho sứ mệnh Apollo 13 vào năm 1970, khoảng cách 400.000 km.
Sau khi vào quỹ đạo, Orion sẽ tiếp tục di chuyển trong khoảng một tuần, trước khi trở lại Trái Đất bằng cách đáp xuống Thái Bình Dương vào ngày 11/12. NASA sẽ tiếp tục chia sẻ hình ảnh được gửi từ camera của tàu vũ trụ.
Nếu kế hoạch suôn sẻ, Artemis I là bước khởi đầu cho sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA sau khi sứ mệnh Apollo kết thúc cách đây nửa thế kỷ. Cơ quan này dự kiến đưa phi hành gia lên chuyến bay Artemis II, dự kiến phóng vào năm 2024. Đến 2025, chuyến bay Artemis III sẽ đưa con người đáp xuống bề mặt Mặt Trăng lần tiếp theo sau 50 năm.
Mike Sarafin, Giám đốc sứ mệnh cho biết Hệ thống Phóng Không gian (SLS) đã hoạt động rất tốt trong đợt phóng ngày 16/11, tiêu tốn của NASA 4,1 tỷ USD. Các kỹ sư đang tìm cách giải quyết 2 vấn đề, liên quan đến hệ thống điện và thiết bị theo dõi sao.
Dù vậy, đợt phóng của tên lửa cao 98 m gây ra nhiều thiệt hại tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Lực đẩy của tên lửa làm vỡ cửa thang máy. Theo Sarafin, hư hỏng tại bãi phóng sẽ được sửa chữa trong thời gian ngắn để chuẩn bị cho lần phóng tiếp theo.