Sau khi Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng thành lập hãng taxi thuần điện GSM (Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh) vào đầu tháng 3, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển, vận tải bắt đầu chạy đua bổ sung các loại phương tiện sử dụng điện, thân thiện với môi trường.
Mới đây nhất, ứng dụng gọi đồ ăn Baemin ký thỏa thuận hợp tác cùng công ty Selex Motors thử nghiệm xe máy điện cho các đối tác tài xế. Chương trình nhằm mục đích khảo sát, lấy ý kiến đánh giá từ các tài xế khi sử dụng xe máy điện để giao hàng.
“Baemin từ đó sẽ đưa ra những chính sách hợp tác và chương trình hỗ trợ tài xế phù hợp để góp phần giúp tài xế tiết kiệm chi phí trong quá trình giao đơn hàng”, đại diện hãng giao đồ ăn này chia sẻ.
Theo Baemin, việc hỗ trợ tài xế chuyển đổi phương tiện truyền thống sang phương tiện xanh có thể giúp tiết kiệm chi phí trong quá trình thực hiện đơn hàng. Sử dụng xe máy điện cũng giúp tối ưu hóa chi phí vận hành thông qua cơ chế thay pin và đem lại trải nghiệm không tiếng ồn, không khói xăng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thay vì nạp điện theo cách thức truyền thống, tài xế có thể đổi pin trực tiếp tại trạm đổi pin trong thời gian ngắn để tiếp tục di chuyển. Phía Selex cho biết hãng sở hữu dòng xe điện bán tải duy nhất và đầu tiên tại Đông Nam Á với năng lực chuyên chở gấp 50% khối lượng và thể tích so với các dòng xe khác. Mức phí bảo trì cũng tương đương 50% so với xe động cơ đốt trong.
Sau giai đoạn thử nghiệm, Baemin sẽ đề xuất chính sách hợp tác phù hợp và hỗ trợ tài xế tương thích.
Trước Baemin, một doanh nghiệp lĩnh vực gọi xe khác là Be Group cũng đã ký thỏa thuận đầu tư và hợp tác với GSM nhằm đưa ôtô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải công nghệ.
Theo thỏa thuận hợp tác, Be Group sẽ nhận khoản đầu tư trực tiếp từ GSM, thông qua các đối tác tài chính, GSM sẽ hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện.
Giai đoạn đầu, Be Group và GSM sẽ phối hợp với VPBank cung cấp chính sách ưu đãi độc quyền cho tài xế Be Group để thuê hoặc mua ôtô, xe máy điện VinFast thông qua GSM với chi phí hợp lý.
Ngoài ra, Be Group cũng sẽ hợp tác chia sẻ nền tảng gọi xe với đối tác GSM. Theo đó, khách hàng gọi xe trên nền tảng của Be Group có thêm lựa chọn dịch vụ taxi điện của GSM, bên cạnh các dịch vụ beCar và beTaxi hiện có.
Ahamove hồi cuối năm 2022 cũng triển khai dịch vụ AhaRide tại Đà Nẵng (vận chuyển hành khách bằng xe điện 2 bánh) thông qua thỏa thuận hợp tác với VinFast và đặt mục tiêu đạt 10.000 xe điện vào năm 2025.
Không chỉ thu hút các ứng dụng gọi xe công nghệ, phương tiện di chuyển xanh còn được một số hãng taxi truyền thống để mắt, trong đó có ông lớn taxi khu vực phía Nam là Vinasun.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tổ chức mới đây, ông Trần Anh Minh - Phó tổng giám đốc Vinasun - khẳng định kinh doanh taxi điện sẽ là một chỉ tiêu trong năm nay. Doanh nghiệp sẽ hướng tới kinh doanh bằng xe điện bởi lý thuyết đây là phương tiện xanh và thân thiện với môi trường.
“Chúng tôi phải tính được hiệu suất thời gian, chi phí cơ hội của anh em lái xe với hoạt động này. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu tính khả thi và tìm kiếm cơ hội để triển khai", ông Minh cho biết.
Tại Lâm Đồng, Công ty TNHH Đồng Thủy, chủ sở hữu thương hiệu Lado Taxi, đã ký hợp đồng thuê và mua số lượng lớn ôtô điện để thay thế dần dàn xe xăng hiện tại. Gần nhất vào đầu năm nay, Lado đặt mua 40 chiếc và thuê 300 chiếc VF e34, 200 chiếc VF 5 Plus từ GSM. Thời hạn thuê kéo dài 42 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.
Trước đó vào giữa năm 2022, Lado đã mua 50 chiếc VF e34 để phục vụ taxi. Sau các thỏa thuận, quy mô của hãng taxi lên đến 600 taxi điện.
Một hãng taxi khác là Én Vàng tại Hải Phòng cũng tuyên bố khai thác dịch vụ taxi điện từ kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 với hai dòng xe chính là VF 5 và VF e34. Hãng đồng thời thông báo tuyển 500 tài xế để phục vụ đội xe.