Tuần qua, Tencent đã báo cáo mức tăng lợi nhuận yếu hơn dự kiến trong quý 2/2023, dù các biện pháp cắt giảm chi phí bắt đầu có hiệu quả và doanh số bán hàng tăng mạnh trên nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, theo CNBC.
Doanh thu công ty đạt 149,21 tỷ nhân dân tệ (tương đương 20,46 tỷ USD) thấp hơn 151,73 tỷ NDT (khoảng 20,83 tỷ USD) dự kiến, nhưng vẫn tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận phân bổ cho cổ đông đạt 26,17 tỷ NDT (khoảng 3,6 tỷ USD), đưa mức tăng lên 41% hàng năm.
Tencent hiện đang bắt đầu gặt hái được thành quả trong chiến lược cắt giảm chi phí do ban lãnh đạo khởi xướng vào năm ngoái. Theo đó, ông lớn công nghệ chủ trương rút khỏi một số mảng kinh doanh không cốt lõi và thắt chặt chi tiêu tiếp thị. Công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin lớn nhất Trung Quốc WeChat, hiện đang tính toán những bước đi vô cùng cẩn trọng trong các lĩnh vực kinh doanh, từ thị trường game đến điện toán đám mây.
“Trong quý 2/2023, chúng tôi đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, cùng mục tiêu hướng tới nguồn doanh thu chất lượng cao và tỷ suất lợi nhuận tốt hơn”, Tencent cho biết trong một thông báo. “Định hướng mới mẻ kết hợp với chiến lược thắt chặt chi phí dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận vượt qua mức tăng trưởng doanh thu”.
Tencent hiện đã báo cáo ba quý tăng trưởng doanh thu liên tiếp, đánh dấu mốc phục hồi sau năm 2022 đầy biến động. Năm 2022, hoạt động kinh doanh trò chơi cốt lõi của công ty có dấu hiệu chậm lại đáng kể so với năm 2021. Trong thời kỳ giãn cách, người dân phụ thuộc nhiều hơn vào giải trí trong nhà do sự bùng phát của đại dịch. Hơn nữa, chính quyền Trung Quốc đã tạm dừng phê duyệt trò chơi mới suốt nhiều tháng và chỉ mới “bật đèn xanh” cho các nhà sản xuất game từ tháng 4/2022. Sau đó, lại mất thêm vài tháng cơ quan quản lý mới phê duyệt các trò chơi do Tencent phát hành.
Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng doanh thu yếu hơn dự kiến tiếp tục phản ánh sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã không thể phục hồi nhanh chóng sau đại dịch như nhiều chuyên gia dự đoán.
Thị trường game chậm phục hồi
Tencent tuyên bố doanh thu trò chơi trong nước vẫn “dậm chân tại chỗ” so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 31,8 tỷ NDT (4,37 tỷ USD), sau khi công ty phát hành “nội dung chất lượng” chẳng hạn như tính năng mua hàng trong trò chơi tại một số tựa game phổ biến nhất của hãng. Kết quả kinh doanh đã ổn định so với mức giảm doanh thu 1% được ghi nhận trong quý II/2022. Tencent cho biết đó chỉ là một “hiện tượng tạm thời” và hứa hẹn doanh thu trò chơi trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng vào quý III.
Doanh thu từ thị trường game quốc tế tăng 19% lên 12,7 tỷ NDT (1,74 tỷ USD), chủ yếu đến từ các tựa game nổi tiếng như Valorant. Trước đó, Tencent đã tập trung tăng doanh thu trò chơi quốc tế, do doanh số bán hàng trong nước yếu và rào cản pháp lý cản trở. Tencent cũng cho biết có “dấu hiệu khả quan tại thị trường trò chơi di động”.
Doanh thu quảng cáo tăng đột biến
Hiệu suất ảm đạm của Tencent trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử được bù đắp bằng doanh thu tăng mạnh từ quảng cáo, với mức tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái lên 25 tỷ NDT (3,43 tỷ USD). Con số này đánh bại ước tính ban đầu là 22,85 tỷ NDT (3,14 tỷ USD) cho hạng mục doanh thu quảng cáo.
Công ty khẳng định đây là kết quả của “nhu cầu mạnh mẽ” đối với quảng cáo trên nền tảng video ngắn. Chi tiêu quảng cáo trên các nền tảng của Tencent tăng với “tốc độ hai con số hàng năm từ mọi danh mục quảng cáo lớn, ngoại trừ phương tiện giao thông”.
Doanh thu của Tencent cũng được đóng góp một phần từ bộ phận công nghệ tài chính và điện toán đám mây, tăng 15% so với cùng kỳ lên mức 48,6 tỷ NDT (6,67 tỷ USD). Được biết, Tencent hiện đang điều hành một trong những nền tảng thanh toán di động lớn nhất Trung Quốc, chính là WeChat Pay.
Tencent sẽ ra mắt mô hình AI trong năm nay
Trí tuệ nhân tạo luôn là chủ đề được thảo luận sôi nổi trong lĩnh vực công nghệ.
Mới đây, Chủ tịch Tencent, ông Martin Lau, tuyên bố rằng công ty có kế hoạch ra mắt mô hình AI độc quyền vào cuối năm nay. Hệ thống được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ có thể sử dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau.
Tencent đã thử nghiệm mô hình này trong nội bộ doanh nghiệp, từ bộ phận quảng cáo đến fintech. Chủ tịch Lau cho biết quá trình đang “tiến triển rất tốt”, đồng thời nói thêm rằng hiệu suất quan sát tương tự “một số mẫu mô hình hàng đầu đang được sản xuất tại Trung Quốc”.
Xét thấy thị trường nội địa đầy tiềm năng, những gã khổng lồ công nghệ khác cũng đã phát triển các mô hình AI riêng, bao gồm cả đại gia thương mại điện tử Alibaba và nền tảng tìm kiếm nổi tiếng Baidu.