Cập nhật từ các báo cáo phân tích cho thấy, tỷ lệ lạm phát toàn cầu đang tỏ ra khó chế ngự hơn so với dự kiến. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, lạm phát cao dai dẳng và nghiêm trọng nhất trong 4 thập kỷ gần đây, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn của châu Âu.
Để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% từ mức 8-9% hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã 5 lần nâng lãi suất, trong đó có 3 lần tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp. Dồn dập ba áp lực lớn từ khủng hoảng năng lượng, lạm phát cao và thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục bao trùm nhiều quốc gia.
Giữ lạm phát trong "vùng xanh"
Tại Việt Nam, sức nóng của lạm phát dường như chưa quá đáng sợ. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lạm phát bình quân tại Việt Nam khoảng 3,8% trong năm 2022. Trong đó, mối lo chủ yếu đến từ áp lực lạm phát bên ngoài và chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Nhìn lại bức tranh thị trường, giá cả trong nước 9 tháng qua, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, bình quân CPI 9 tháng chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 3,85% cùng kỳ năm 2020 và cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2021 (1,82%).
Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2022 được kiểm soát ở mức tăng 1,88%. CPI 9 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu.
Một là, giá xăng dầu trong nước dù giảm nhiệt gần đây nhưng tăng sốc 41,07% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,48 điểm phần trăm; giá gas tăng 18,75%, làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, do giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm giao thông lại chiếm trọng số khá thấp, chỉ 9,67% trong rổ tính CPI nên dường như sức nóng từ cuộc chiến năng lượng không phả quá mạnh vào chỉ số CPI.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42 phát hành ngày 17-10-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/27