Ủy ban Chiến lược quyền lực mềm quốc gia (NSPSC) của Thái Lan đã đính chính thông tin sẽ tổ chức tết té nước Songkran trong cả tháng 4.
Cơ quan này cho biết lễ hội té nước vẫn được tổ chức vào ngày 13-15/4 như truyền thống. Còn các sự kiện văn hóa khác sẽ được tổ chức trên toàn quốc trong cả tháng.
Động thái này diễn ra sau những chỉ trích nặng nề rằng ý tưởng tổ chức Songkran cả tháng là không thực tế vì gây lãng phí nước rất lớn và làm gia tăng tai nạn giao thông.
Trước đó, bà Paetongtarn Shinawatra, lãnh đạo Đảng Pheu Thai và Chủ tịch NSPSC tuyên bố rằng họ muốn thúc đẩy Songkran trở thành một trong những lễ hội đặc sắc nhất thế giới.
“Bắt đầu từ năm sau, lễ hội Songkran sẽ không còn như xưa. Chúng ta sẽ không tạt nước trong 3 ngày mà sẽ tổ chức lễ hội suốt một tháng trên toàn quốc”, bà Paetongtarn phát biểu hôm 1/12.
Vị này còn viết trên mạng xã hội cá nhân rằng NSPSC kỳ vọng lễ hội kéo dài sẽ tạo ra 35 tỷ baht (tương đương hơn 1 tỷ USD) cho nền kinh tế Thái Lan.
Tiến sĩ Surapong Suebwonglee, Phó chủ tịch NSPSC, tiết lộ Songkran sẽ được UNESCO liệt kê là di sản văn hóa phi vật thể. Thông báo chính thức sắp được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Botswana vào thứ tư.
"Vì vậy, NSPSC đã đồng ý rằng lễ hội Songkran năm tới nên được tất cả 77 tỉnh đồng tổ chức trong suốt tháng 4, thay vì được tổ chức riêng lẻ. Vấn đề chính là chúng ta sẽ không té nước ròng rã cả tháng”, tiến sĩ Surapong nói với Bangkok Post.
Bộ trưởng Quốc phòng Sutin Klungsang cho biết nếu các hoạt động được tổ chức ở tất cả 77 tỉnh trên toàn quốc trong suốt tháng 4, có thể số lượng cảnh sát sẽ không đủ để đảm bảo trật tự. Dù vậy, binh lính vẫn sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết.
Nattavudh Powdthavee, Giáo sư kinh tế tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho biết 3 ngày truyền thống của Songkran là thời gian đủ để biến việc té nước thành một niềm vui. Nếu việc này kéo dài cả tháng, mọi người sẽ bắt đầu cảm thấy nhàm chán, thiếu hứng thú.